vĩnh viễn trong con người - tức là tâm hồn anh ta - chắc chắn là giống nhau
cho cả người giàu lẫn người nghèo, quý tộc và thường dân, da trắng và da
màu.
Tuy nhiên, không có khẳng định nào lại thiếu căn cứ hơn là lời khẳng
định về sự bình đẳng giữa người với người như thế. Mỗi người mỗi khác,
không ai giống ai. Ngay cả anh em ruột cũng khác nhau rất xa về sức khỏe
cũng như trí thông minh. Tự nhiên không bao giờ lặp lại sản phẩm của
chính nó; nó không sản xuất hàng loạt và không có sản phẩm được tiêu
chuẩn hóa. Mỗi người khi rời khỏi xưởng chế tạo của nó đều mang theo dấu
ấn riêng, duy nhất và không bao giờ lặp lại. Mỗi người mỗi khác, và đòi hỏi
về sự bình đẳng trước pháp luật hoàn toàn không thể dựa vào khẳng định
rằng những người giống nhau phải được đối xử như nhau.
Có hai lí do giải thích vì sao mọi người đều phải được bình đẳng trước
pháp luật. Lí do thứ nhất đã được nhắc tới khi chúng ta phân tích những
luận chứng nhằm chống lại chế độ nô lệ. Lao động sẽ có năng suất cao nhất
khi và chỉ khi người công nhân được tự do vì chỉ có người lao động tự do,
tức là người được hưởng thành quả lao động của mình dưới dạng tiền
lương, mới cố gắng hết sức. Giữ gìn hòa bình trong xã hội là luận cứ thứ
hai. Như đã chỉ ra ở trên, cần phải tránh mọi xáo trộn đối với sự phát triển
một cách hòa bình quá trình phân công lao động. Nhưng giữ gìn hòa bình
trong một xã hội, trong đó quyền lợi và trách nhiệm được phân chia theo
giai cấp là nhiệm vụ hầu như bất khả thi. Người nào không cho một bộ phận
dân chúng được hưởng các quyền như các bộ phận khác thì phải luôn sẵn
sàng đối phó với cuộc tấn công của những người bị tước quyền nhằm chống
lại những kẻ được hưởng đặc quyền đặc lợi. Đặc quyền đặc lợi giai cấp phải
bị bãi bỏ, lúc đó xung đột vì lí do giai cấp sẽ chấm dứt.
Như vậy, việc bới tìm sai lầm trong cách đặt vấn đề bình đẳng của chủ
nghĩa tự do, rằng nó chỉ tạo ra sự bình đẳng trước pháp luật chứ không phải
bình đẳng thật sự, là việc làm thiếu cơ sở. Có sử dụng toàn bộ sức mạnh của