hạnh thì mới được coi là đức hạnh. Có sự khác nhau một trời một vực giữa
một người liều mình và hi sinh tài sản của mình vì những mục tiêu cao quý
và một người hi sinh tất cả những thứ đó mà chẳng mang lại lợi ích gì cho
xã hội.
Tất cả những hành động nhằm giữ gìn trật tự xã hội đều là đức hạnh;
còn những gì có hại cho nó đều là phi đạo đức. Do đó, khi ta rút ra kết luận
rằng một thể chế nào đó là có lợi cho xã hội thì không thể nói rằng nó là phi
đạo đức. Có thể có những ý kiến khác nhau về việc một thể chế cụ thể nào
đó là có ích hay có hại đối với xã hội. Nhưng một khi đã coi một thể chế là
có lợi thì người ta không còn có thể buộc tội nó là phi đạo đức vì một lí do
mơ hồ nào đó.
7. Nhà nước và chính phủ
Tuân thủ đạo lí là lợi ích tối cao của mọi cá nhân vì duy trì sự hợp tác xã
hội mang lại lợi ích cho tất cả mọi người; đồng thời nó cũng buộc mọi
người phải hi sinh, mặc dù chỉ là những hi sinh tạm thời để đổi lấy những
lợi ích lớn hơn. Phải có một số hiểu biết sâu sắc mối quan hệ giữa các hiện
tượng và sự vật thì mới nhận thức được chuyện đó, đồng thời phải có ý chí
nhất định thì mới thực hiện được những hành động phù hợp với nhận thức
như thế. Những người không có nhận thức hoặc nhận thức được, nhưng
không có ý chí thực hiện thì không có khả năng tuân thủ đạo lí một cách tự
nguyện. Không khác gì việc tuân thủ các quy định về vệ sinh mà các cá
nhân phải theo vì sức khỏe của chính mình. Một người nào đó có thể sống
phóng túng, ví dụ như hút chích ma túy vì không biết hậu quả của nó hoặc
cho rằng hậu quả không là gì so với việc từ bỏ thú vui nhất thời, hoặc là
không có đủ ý chí để điều khiển hành vi cho phù hợp với nhận thức của
mình. Có người cho rằng xã hội cần phải sử dụng những biện pháp cưỡng
bức để buộc những cá nhân nói trên đi vào đường ngay lối thẳng, và trừng
phạt bất kì kẻ nào có những hành động bất cẩn gây hại cho sức khỏe và