nhân về tư liệu sản xuất nên nó mới cần sử dụng bạo lực và cưỡng bức để
bảo vệ chính nó mà thôi. Nếu sở hữu tư nhân bị bãi bỏ thì mọi người, không
trừ một ai, sẽ tự động tuân thủ những quy tắc sống mà sự hợp tác xã hội đòi
hỏi.
Như đã chỉ ra ở trên, học thuyết đó sai lầm ngay khi nói về tính chất của
quyền sở hữu tư nhân các tư liệu sản xuất. Nhưng ngay cả khi không có
quan niệm sai lầm đó thì lí thuyết này cũng hoàn toàn không thể đứng vững.
Người theo phái vô chính phủ hoàn toàn đúng khi không phủ nhận rằng mỗi
hình thức hợp tác giữa người với người trong xã hội trên cơ sở phân công
lao động đều đòi hỏi tuân thủ một số quy tắc ứng xử mà không phải lúc nào
cũng được mọi cá nhân hoan nghênh, vì những quy tắc đó buộc người ta
phải hi sinh, dù chỉ là trong một thời gian ngắn, nhưng vẫn làm cho người ta
đau khổ, ít nhất là ngay tại thời điểm đó. Nhưng người theo phái vô chính
phủ đã lầm khi cho rằng mọi người, không có ngoại lệ, đều sẽ tự
nguyện tuân thủ các quy tắc như thế. Có những người bị bệnh đường ruột,
họ biết rõ rằng nếu ăn một món nào đó thì chỉ một thời gian ngắn sau đó họ
sẽ bị đau bụng, thậm chí đau đến mức không chịu được, nhưng họ vẫn
không thể không hưởng thụ cái món khoái khẩu đó. Những mối quan hệ
qua lại trong đời sống xã hội khó theo dõi hơn là tác động của thức ăn lên
cơ thể con người và hậu quả cũng không diễn ra nhanh như thế, mà trên hết
là không phải lúc nào kẻ bất lương cũng cảm nhận được. Có thể bỏ qua tất
cả những điều đã trình bày để giả định rằng mỗi người trong xã hội vô
chính phủ đều có khả năng nhìn xa trông rộng và có ý chí mạnh mẽ hơn kẻ
bị bệnh đường ruột tham ăn, mà không sợ bị coi là ngớ ngẩn hay không?
Trong xã hội vô chính phủ liệu có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng là một
người vô tình ném que diêm đang cháy và gây ra hỏa hoạn hoặc trong khi
tức giận, ghen tuông hay thù hận mà xúc phạm người khác hay không? Chủ
nghĩa vô chính phủ hiểu sai bản chất của con người. Nó chỉ có thể trở thành
hiện thực trong thế giới của thánh thần mà thôi.