xã hội ít nhất cũng bằng chủ nghĩa tư bản, và cố gắng chứng minh rằng
năng suất lao động sẽ cao hơn. Nhưng giả định đầu tiên không thể là
chuyện dĩ nhiên như những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội vẫn nghĩ. Số
lượng sản phẩm được sản xuất trong xã hội tư bản không phải là độc lập với
cách thức tổ chức quá trình sản xuất. Yếu tố then chốt ở đây là tại mỗi công
đoạn trong từng lĩnh vực sản xuất, lợi ích của mỗi người tham gia vào đó
đều phụ thuộc vào năng suất lao động của phần lao động cụ thể mà mình
đóng góp. Mỗi người công nhân đều cố gắng hết sức vì tiền lương phụ
thuộc vào kết quả lao động của anh ta, và mỗi doanh nhân đều cố gắng sản
xuất với giá thành rẻ hơn, nghĩa là với chi phí về lao động và vốn thấp hơn
người cạnh tranh với anh ta.
Chỉ nhờ những động cơ như thế mà chủ nghĩa tư bản mới có thể sản
xuất được số lượng tài sản mà nó đang nắm trong tay. Phê phán hệ thống
bán hàng của chủ nghĩa tư bản gây ra chi phí quá cao là quan điểm thiển
cận. Những người phê phán chủ nghĩa tư bản là phung phí nguồn lực vì
thấy trên những đường phố sầm uất có quá nhiều người bán đồ lót cạnh
tranh với nhau, và thậm chí người bán thuốc lá còn nhiều hơn nữa, là những
người không nhận thức được rằng việc tổ chức buôn bán như thế chỉ là kết
quả của cơ chế sản xuất bảo đảm cho năng suất lao động cao nhất. Sản xuất
đã đạt được tất cả những tiến bộ như thế vì bản chất của cơ chế này là liên
tục tạo ra tiến bộ. Chỉ nhờ sự thực là tất cả các doanh nhân đều phải liên tục
cạnh tranh, và liên tục bị đẩy ra khỏi thương trường không thương tiếc nếu
họ không sản xuất một cách để đạt được lợi nhuận cao nhất mà các phương
pháp sản xuất mới thường xuyên được cải tiến và hoàn thiện. Nếu động cơ
đó không còn thì tiến bộ trong sản xuất cũng không còn, và người ta cũng
không còn tiết kiệm chi phí. Cho nên câu hỏi sẽ tiết kiệm được bao nhiêu
nếu không còn quảng cáo là một câu hỏi hoàn toàn phi lí. Người ta nên hỏi
sẽ sản xuất được bao nhiêu nếu không còn cạnh tranh. Câu trả lời chắc chắn
đã rõ.