- Anh lại ngược Hà Nội trong đêm nay? Dù có gặp tôi? Tôi muốn giữ
anh lại ít ra là một đêm. Nếu việc có cần lắm, thì mai anh đi sớm cũng kịp
cán. Chúng ta phải cần một đêm trọn mới đủ để nói chuyện và ôn chuyện.
Cầu viện một vài cớ để đòi đi được chuyến ôi tô ray. Đạm, lừ lừ cặp
mắt, đầy vẻ trách móc, nói rất cảm động.
- Có thể như thế được chăng? Anh nhất định đi ngay? Làm lỡ công
việc của anh, tôi không dám, vì nhiều khi tôi cũng đã hiểu rằng trong đời
khó khăn phải đặt công việc làm ăn lên trên mọi tình cảm. Nhưng như thế
này, thì cũng có đều tủi cho chút tình cố giao.
Ở hàng cà phê ra, Cầu và Đạm đi sát nhau và không nói một câu gì.
Đến gần trại lính khố xanh, Đạm mới bắt đầu nói:
- Giá anh lùi lại đến sớm mai hãy đi thì thích quá. Anh về ăn cơm với
tôi. Lâu lắm tôi không được uống rượu cùng anh.
Cầu không trả lời. Cầu còn bận nghĩ có nên ở lại với bạ một đêm hay
là cứ đi cho được việc mình. Đi thì phải hối hận nhiều, vì đã coi rẻ cái tình
cũ của bạn gặp mình rất niềm nở, mà ở thì không đành lòng với công việc
làm ăn chưa ngã ngũ ra sao. Cầu cho cũng hơi khó nghĩ; nhưng việc khó
đến đâu mà chẳng có một giải quyết. Cầu tự nhủ rằng: “đêm nay nên ở lại
với Đạm. Công việc kia nó sẽ kết quả như thế nào không cần biết vội. Mà
dù có hỏng việc đó chăng nữa, thì cũng là một sự “hy sinh” về thương mại
trước cái tình bằng hữu thiêng liêng. Ở đời, mấy khi người ta có dịp làm
được những việc hy sinh như thế”. Cầu thấy vui vẻ trong bụng khi nghĩ đến
chuyện thiệt thòi ấy và tươi tỉnh bảo Đạm:
- Ừ, tôi ở lại. Anh đã bằng lòng chưa?
Đạm lấy làm vui sướng, khi nghe bạn thay đổi ý nghĩ mà chàng không
ngờ. Chàng sướng quá, quên hẳn đi rằng đấy là giữa phố.