Vợ Đạm lãnh đạm cầm lấy tiền với một tiếng thở dài, vùng vằng đi ra
với bao nhiêu nỗi miễn cưỡng và giận dỗi. Đạm cố tin rằng như thế cũng
không có hề chi và tí nữa chàng vẫn đủ lạc quan ngồi ăn uống chuyện trò
cùng bạn cố tri. Chàng trở ra với bạn, thấy bạn có chiều nghĩ ngợi, liền
khua tay nói huyên thuyên:
- Anh nghĩ gì thế? Anh còn đợi gì mà không bỏ giầy, bỏ áo ra. Hay là
vẫn nhất định về ngay Hà Nội?
- Ai lại như thế. Tôi phải ở lại uống với anh một bữa rượu “trùng
phùng” cho say chứ.
Cầu nói, cười, bỏ quần áo cho yên lòng bạn. Nhưng chính thực ra thì
dưới cái bề ngoài hỉ hả, Cầu đang bận tâm nhiều lắm. Đạm đã bị bạn lừa
dối về tình cảm trong phút ngày và chàng vui vẻ ngồi đợi vợ mang đồ nhắm
về.
Đạm thấy Cầu tháo xong đôi giầy tây, đế và gót mới mòm có một tí,
chàng ngắm nghía một cách thèm thuồng và so sánh nói với đôi giầy đế cao
su sống đã thủng rách của mình. Không biết chàngnghĩ thế nào mà lại đem
xỏ chân mình vào giầy Cầu ướm và ngắm mãi. Cầu ngả lưng ra bộ ngựa và
hỏi:
- Chị ấy làm bạn cùnganh đã lâu chưa? Quê chị ở đâu anh nhỉ?
- Ba năm. Nhà tôi ở Phọng Bớp
- Phọng Bớp? Cầu vừa hỏi lại, vừa liên tưởng nghĩ đến cái dáng điệu
cục cằn và ngôn ngữ thô bỉ của bác Đạm gái và đoán gài rằng một làng có
cái tên như thế hẳn phải sản xuất ra những người như thế.
- Chính chữ Hán thì gọi là Phụng Pháp. Hồi trước tôi dậy tư ở làng
Phụng Pháp, ốm một trận suýt chết, nếu không có nhà tôi bấy giờ thì cũng
nguy. Tôi cảm cái ơn săn sóc thuốc thang ấy nên lấy về làm vợ...