cỏ may im lìm nơi bãi trường thi đều rung lên một nhịp và rung theo một
chiều. Người ta, hồi nãy sống một cơn mơ giữa khoảng ban ngày u uất, bây
giờ trông thấy một cơn mơ đang tàn dần. Một thứ gió u hiểm thổi thốc vào
bãi trường, nghe lào xào như có tiếng các hồn oan hồn lành chen chúc và
ùa vào choán chỗ. Những cây nến cháy vạt ngọn bỗng tắt phụt hết. Không
gì xa vắng bằng cái động đậy trong đìu hiu của muôn loài.
Trời đất trong sáng lại dần dần:
Hai anh em ông Đầu Xứ Ngoạt-lấy tên tục của làng nguyên quán Cổ
Nguyệt-lững thững ra về. Ông Đầu Xứ Anh bụng buồn lắm mà không dám
nói ra.
Ba năm trước, cũng ngày tế tiến trường, năm Tý, cảnh trời đất cũng
âm thầm giông giống như ngày này. Quan Chánh Chủ khảo khoa ấy, theo
tục lễ quen của mỗi khoa thi, cũng cúng tam sinh khấn mời những oan hồn
nên nhập vào trường trước hết để mà báo oán trả thù. Rồi ông Đầu Xứ vào
trường, rồi oan hồn hiện liên, ngay ở kỳ đệ nhất. Một người đàn bà, xoã
tóc, ẵm con, hiện ngay lên dưới lều, ngay chỗ đầu chõng, kêu khóc giữ rịt
lấy tay không cho viết quyển nữa. Gào khóc chán, người đàn bà ấy lấy mớ
tóc xoã quất vào mặt ông cứ bỏng rát lên. Lại cuời sằng sặc, lấy nghiên
mực hắt vào quyển của ông. Lần ấy ông xin đổi quyển đến hai ba lần. Vẫn
người đàn bà ấy quấy nhiễu không tha để quyển ông cứ tỳ ố mãi. Lúc gần
chiều, ông nổi một cơn đau bụng hoắc loạn, phải bỏ dở kỳ thi, nhờ người
dìu về nhà trọ. Thế là ông bay ngay kỳ kinh nghĩa. Một người đầu xứ hay
chữ và được quan Đốc khen ngợi luôn mà hỏng ngay nhất trường thì có
thảm thương không. Cũng may mà còn có người lấy được cái bản thảo
nháp bài của ông đem về, ông còn giữ được đến giờ, nếu không thì nhục
cho gia sáo biết là chừng nào. Ông cụ thân sinh ra ông, cụ Huấn là người
nổi tiếng một vùng, đem xem lại bản nháp và đưa cho các bạn đọc, ai cũng
lấy làm tiếc. Hơi văn đi mạnh như thế, có vào đến kỳ hội thi cũng cứ lọt.
Mọi người đều chặc lưỡi tiếc rẻ. Cái người bạn cùng ngồi một vi với ông,