- Mấy chục tờ ạ?
- Cô đợi cho tôi tính xem dùng hết độ ngần nào thì không là thừa phí.
Làm ra bộ thông thạo thì ít, mà muốn tỏ sự thân mật thì nhiều-bao giờ
được nên thân tình nữa nhỉ! –cô Phương cô tay tính nhẩm những cái gì gì,
rồi cô ngấc đầu, vuốt mái tóc, nói với ông Đầu Xứ Em, giọng nhẻ nhót mà
tự nhiên:
- Nộp ba quyển: kỳ đệ nhất, kinh nghĩa một quyển bảy tờ, kỳ đệ nhị,
thơ phú, một quyển sáu tơ và kỳ đệ tam, văn sách một quyển mười hai tờ
nữa, có dày lắm cũng chỉ đến mười bốn tờ là cùng. Ông định mua trữ giấy
mang vào trường để phòng những lúc phải cánh quyển hoặc đổi những
trang hư hỏng, chỉ nên trữ lấy từng kỳ một.
Ông Đầu Xứ Anh, vừa soi giấy lịch, vưa hỏi:
- Tại sao thế hở cô?
- Thưa, tại... tại là giấy chuyến này, thú thật với hai ông rằng không
được mịn lắm. Chuyến sau, có thuyền hàng phường neo về, thế nào cũng có
giấy tốt hơn nhiều. Có lẽ kịp kỳ đệ nhị của các ông đấy. Để tôi xem nào.
Cô hàng sách, bán giấy bút cho học trò trường Nam đã mười năm có
lẻ, đã không phụ cái tiếng là một người thông thuộc những phong tục nơi
trường ốc. Cô Phương lại co tay tính nhẩm một hồi.
- Được rồi. Mùng một tháng mười là ngày vào kỳ đệ nhất. Có chóng
lắm thì cũng phải hết cữ thượng tuần tháng mười mới có bảng vào kỳ đệ
nhị. Phường giấy của tôi thể nào cũng có thuyền về bên trên mom sông
trước ngày mùng mười. Đúng hôm tết trùng thập cúng cơm mới, các ông
lại đây mua mở hàng cho kiện giấy lịch Bưởi. Giờ các ông lấy tạm ít chục
tờ dùng đỡ trong kỳ đệ nhất vậy.