7
Tôi có đem theo một số thư từ ngày trước của hai đứa ở đây nếu tiên sinh
có nhã ý muốn xem. Vẫn còn nhiều lắm. Không thể cầm theo tất cả nên tôi
chỉ chọn ra vài bức tiêu biểu có thể khiến tiên sinh hứng thú. Tôi đã sắp xếp
ít nhiều theo thứ tự nên tiên sinh làm ơn xem mấy bức thư đầu tiên ấy ạ.
Tôi giữ lại tất cả thư Mitsuko gửi, tiên sinh sẽ thấy cả vài bức Mitsuko trả
lại cho tôi nữa, lý do tại sao thì tôi sẽ giải thích sau.
(Ghi chú của tác giả: “Một số” thư từ trao đổi mà cô Kakiuchi nói được
gói chặt thít trong một chiếc khăn lụa khoảng hai mươi lăm phân vuông gần
như sắp bục ra, bốn đầu khăn chật vật lắm mới buộc lại được. Các đầu
ngón tay Kakiuchi ửng đỏ khi cố cạy cái nút thắt con con cứng đầu cứng cổ
để mở cái bọc ra. Một chồng giấy hoa lá cành xổ ào ra như thác lũ: thư nào
cũng để trong phong bao được trang trí với những họa tiết tranh mộc bản
diêm dúa, rực rỡ. Phong thư xinh xinh chỉ đủ nhét vừa một tờ giấy viết thư
của phụ nữ gập lại làm tư, chúng được tô điểm những bông vãn anh thảo,
linh lan, uất kim hương và chân dung các mỹ nữ theo phong cách của họa
sĩ Takehisa Yumeji in bằng bốn hay năm màu mực. Cảnh tượng ấy khiến tôi
hơi sửng sốt. Phụ nữ Tokyo không đời nào chọn loại phong bao lòe loẹt
màu mè như thế. Ngay cả khi viết thư tình, một người đàn bà Tokyo vẫn ưu
tiên loại giấy giản dị hơn. Nếu ai đó đem những thứ này đến trước mặt
nàng, sẽ bị cho là sỗ sàng không chấp nhận được. Còn một người đàn ông,
nếu như là người Tokyo, nhận được những lời bày tỏ được gói ghém trong
loại phong bao đó thì sẽ lập tức ác cảm với người gửi. Nói tóm lại, đích thị
chỉ có phụ nữ Osaka mới ưa chuộng kiểu trang trí hoa hòe hoa sói này. Và
nếu nghĩ tới việc đây còn là những lời ướt át giữa hai người đàn bà, thì