chúng càng có vẻ quá đà hơn nhiều lắm. Ở đây, tôi trích lại vài dòng minh
họa cho tình cảm nồng nhiệt gửi gắm trong đó, tuy nhiên cũng xin mạn
phép mô tả loại giấy mực họ đã sử dụng. Đối với tôi, đôi khi cách thức
trang trí những bức thư còn tiết lộ nhiều điều hơn cả nội dung thư nữa.)
(Ngày 06 tháng Năm, Kakiuchi Sonoko gửi Mitsuko. Bao thư dài hơn
mười phân, rộng hơn năm phân 3/4, họa tiết quả anh đào và hình trái tim
trên nền hồng. Có tất cả năm trái anh đào chín đỏ trên cành vẽ bằng mực
đen. Mười quả tim chồng nhau thành từng đôi theo chiều dọc, hàng trên
màu tím lợt, hàng dưới thếp nhũ vàng. Hai mép trên dưới của phong bì
cũng thếp nhũ vàng nốt. Dây thường xuân màu lục nhạt in trên mặt giấy
viết thư cùng với những dòng kẻ chấm màu bạc lóng lánh. Kakiuchi viết
bằng bút máy nhưng độ chính xác của các chữ lược tự cho thấy cô được
đào tạo hẳn hoi về thư pháp và hiển nhiên là một học trò xuất sắc về môn
này khi còn đi học. Nét chữ của cô là phiên bản mềm mại của thư pháp
Ono Gado - cởi mở, lịch thiệp như người ta hay bảo, hoặc nói khó nghe thì
có chút lả lơi, buông tuồng. Đặc điểm đó rất phù hợp với họa tiết trên
phong thư.)
Mitsu thân yêu,
Tí tách, tí tách… Đêm nay mưa xuân nhẹ rơi. Lắng nghe tiếng mưa trút
nước lên những đóa mao bào đồng ngoài cửa sổ, chị ngồi lặng lẽ bên bàn
giấy trong ánh sáng tỏa ra từ chiếc chụp đèn bằng len đỏ mà em móc tặng.
Không hiểu sao đêm u buồn đến thế, nhưng thấy tiếng nước rỏ bên hiên
nhà chị, cứ tưởng như giọt giọt đang thủ thỉ êm đềm: Tí tách, tí tách… Mưa
đang thầm thì chi đó? Tí ta, tí tách… Phải rồi! Mitsuko, Mitsuko,
Mitsuko… Mưa đang gọi tên người thương của chị. Tokumitsu,
Tokumitsu… Mitsuko, Mitsuko… Toku, Toku, Toku… Mitsu, Mitsu, Mitsu…
Vô tình chị đã lấy bút viết kín tên em trên hết mấy đầu ngón tay của bàn tay
trái, lần lượt từ ngón cái đến ngón út rồi…
Em hãy tha thứ cho sự ngốc nghếch của chị.
Gặp em mỗi ngày mà vẫn viết thư thăm hỏi thì có kỳ không nhỉ? Nhưng
mỗi khi ở trường, chị rất ngại đến gần em, lúc nào cũng phải dè chừng mới