viết tạo điều kiện thuận lợi cho việc khống chế, áp bức bóc lột dân chúng
và do đó vai trò chủ yếu của chữ viết trong nhiều xã hội không phải là giải
phóng về trí thức, mà là kiềm chế, thống trị ; nếu có giải thoát về trí thức,
thì đó chỉ là mục đích phụ và đôi khi chỉ nhằm biện hộ che dấu mục đích
khống chế trên. Để chứng minh cho nhận xét trên, Lévi Strauss nêu trường
hợp các nước Âu châu thế kỷ XIX đã chú ý rất nhiều vào việc cưỡng bách
học chính và chính sách cưỡng bách đó song song với việc mở rộng chế độ
quân dịch và hiện tượng vô sản hóa. Do đó, công tác chống nạn mù chữ gắn
liền với nhu cầu củng cố việc nhà cầm quyền kiểm soát dân chúng, vì mọi
người phải biết đọc biết viết để nhà cầm quyền có thể nói : không ai được
nghĩ rằng mình không biết luật.
Chữ viết là một công cụ thống trị, khống chế, nhận định đó cũng áp
dụng thật đúng trong trường hợp thực dân Pháp cưỡng bách dùng chữ quốc
ngữ hồi đầu chế độ thuộc địa. Mọi người phải biết đọc biết viết để có thể
đọc Gia-Định báo, một thứ công báo của nhà cầm quyền thuộc địa, nghĩa là
đọc các Thông tư, Nghị định, Sắc luật, Thông cáo, Quyết định của nhà cầm
quyền để thi hành, tuân giữ, và do đó không ai có thể nói không biết luật vì
không biết đọc biết viết chữ quốc ngữ.
Tóm lại, chữ viết tự nó không phải là một công cụ giải thoát như Phạm
Quỳnh đã nhận xét. Trái lại trong lịch sử nhân loại cũng như trong lịch sử
Việt nam, chữ viết thường đã xuất hiện như một công cụ thống trị, khống
chế. Chữ nho, thời Bắc thuộc, chữ quốc ngữ, thời Pháp thuộc, đều chỉ là
một công cụ ngoại bang để khống chế, thống trị.
Tuy nhiên điều đó không ngăn cản việc coi chữ viết như một phương
tiện giải thoát đối với những người, dân tộc vùng lên và chống lại sự thống
trị, khống chế của ngoại bang. Những người yêu nước, những phong trào tổ
chức cách mạng chống sự đô hộ của Trung Quốc, của Pháp đã dùng chữ
nôm, chữ quốc ngữ để thực hiện dự định chống đối và giải thoát trên.
5. Sau cùng, phải nói đến những giới hạn của chữ viết trước sự xuất
hiện một nền văn minh mới dựa vào hình ảnh và âm thanh.