Theo Lévi Strauss, thực ra sự phân biệt văn-minh và không văn-minh
dựa trên tiêu chuẩn có hay không chữ viết không phải luôn luôn xác đáng.
Cái thời có nhiều phát minh sáng tạo vĩ đại của lịch sử nhân loại là thời đồ
đá mới (néolithique) : phát minh ra kỹ thuật canh tác nông nghiệp, chế ngự
súc vật và nhiều kỹ thuật khác… Để đạt tới những sáng chế lớn lao trên, đã
hẳn nhân loại phải trải qua hàng mấy nghìn năm quan sát, thí-nghiệm và
truyền lại những kinh nghiệm, kiến thức của mình. Vậy mà những sáng chế
vĩ đại trên đã có thể thực hiện được ở một thời chưa có chữ viết. Theo Lévi
Strauss, nếu chữ viết đã chỉ xuất hiện vào quãng 3 hoặc 4 nghìn năm trước
Tây lịch, người ta phải coi chữ viết như là hậu quả xa xôi, gián tiếp của
cách mạng thời đá mới, chứ không phải như điều kiện của cuộc cách mạng
đó.
Hơn nữa, từ khi có chữ viết cho đến khi khoa học hiện đại ra đời, thế
giới Tây phương đã trải qua 5.000 năm lịch sử bấp bênh và trong khoảng
thời gian đó, những kiến thức đã không vì có chữ viết mà gia tăng… Người
ta nhận thấy giữa nếp sống của một công dân Hy Lạp, La Mã với nếp sống
của người trưởng giả Âu châu ở thế kỷ XVIII không có gì khác nhau lắm.
Vậy theo Lévi Strauss, ở thời đồ đá mới, nhân loại đã thực-hiện những
bước tiến khổng lồ mà không cần chữ viết, trái lại từ khi có chữ viết, những
nền văn minh Tây phương đã rơi vào một tình trạng ngưng đọng…
Dĩ nhiên khó có thể quan niệm những tiến bộ khoa học của thế kỷ XIX
và XX mà không có chữ viết ; chữ viết ở đây là một điều kiện cần-thiết
nhưng không phải là điều kiện đầy đủ để giải thích những tiến bộ khoa học
trên.
Vậy theo Lévi Strauss, không nên khẳng định việc sáng chế ra chữ
viết như một biểu hiện tất yếu của tiến bộ, văn minh.
Trái lại, người ta chỉ nhận thấy một đặc điểm thường gắn liền với sự
phát minh ra chữ viết là sự hình thành những đô thị, những đế quốc, nghĩa
là sự đoàn ngũ hóa đông đảo quần chúng trong một hệ thống chính trị. Hiện
tượng đó đều nhận thấy từ Ai cập đến Trung quốc : việc phát minh ra chữ