Tóm lại, Pháp đã sử dụng gần như toàn vẹn chủ trương phương pháp
và chương trình của Đông-Kinh Nghĩa-Thục nhưng lật ngược lại mục đích
để qui vào chiều hướng phục vụ chính sách xâm lược văn hóa – và họ đã
thành công lớn trong khoảng gần nửa thế kỷ kể từ ngày Đông-Kinh Nghĩa-
Thục bị tiêu diệt cho đến gần đây khi họ rời bỏ Việt-Nam sau Hiệp-định
Genève (1954). Mặc dù trong suốt thời gian này vẫn thường xảy ra những
cuộc đấu tranh võ trang bạo động hoặc cuộc chống đối công khai (vận động
dân chúng biểu tình), rồi đến hai cuộc đảo chánh năm 1945 và chiến tranh
Việt-Pháp 1946-54, thực dân Pháp lúc đầu (trước 1945) vẫn tiếp tục hữu
hiệu chính sách xâm lược văn hóa, và từ 1945 đến 1954 vẫn duy trì được
những kết quả do chính sách này mang lại. Một điểm đáng lưu ý là ngay
lúc này, sau gần một phần tư thế kỷ, Việt-Nam dành lại độc lập, phần lớn
những kết quả đó vẫn còn tồn tại trên phân nữa đất nước chúng ta – tồn tại
ngay tại đây với các trường Tây, học chế Việt-Nam rập khuôn theo Pháp, tư
tưởng hướng chiều theo Pháp, một số tục lệ bắt chước Pháp v.v… và cả đến
văn chương, ngôn ngữ cũng nhuốm màu Pháp một phần nào.
TIẾNG VIỆT CHUYỂN MÌNH
Tình trạng ứ đọng cố hữu bắt đầu được khai thông với phong trào
Duy-Tân từ đầu thế kỷ này khi một thiểu số nho-sĩ yêu nước nhận thức
được cái học từ-chương khoa-cử bằng chữ Hán đã tác hại quá nhiều, dẫn
đến tình trạng mất nước, dân ngu, bởi vậy muốn mở mang dân trí, truyền bá
tư tưởng mới (của Âu Mỹ) vào quần chúng thì chẳng những phải gạt bỏ
chữ Hán, mà đến chữ Nôm cũng không dùng được, vì loại chữ này còn khó
học hơn cả chữ Hán, và phải phổ biến « chữ quốc ngữ » vì dễ đọc dễ viết,
học rất mau chóng. Do chủ trương này, các Nghĩa-Thục được thành lập từ
1903 trong các làng xã tại Quảng-Nam và dạy bằng « chữ quốc ngữ » ;
đồng thời những cuộc diễn thuyết (dĩ nhiên bằng « văn xuôi ») và các bài
ca-vè (loại « văn vần » bình dân dễ học, dễ nhớ, dễ phổ biến bằng phương
pháp truyền khẩu) cũng được tung ra để khích động dân chúng (được
truyền tụng nhiều nhất là hai bài Chiêu Hồn Nước và Khuyên Con Đi Học).