trong tạp chí này. Nam-Phong số 16 có đăng đầy đủ lá thư, rồi trong số kế
tiếp là các bài trả lời của Nguyễn-Bá-Trác và các thân hữu Nam-Phong đả
kích khá nặng Nguyễn-Hảo-Vĩnh, nhưng ông này không đáp lại một lời
(phải chăng vì biết rằng đánh vật với voi là việc vô ích và chắc chắn phải
thua ?).
Trong thư ngỏ này Nguyễn-Hảo-Vĩnh đề nghị nên « thương tiếng
nước nhà » và « ra công nuôi nấng » nó ; gắng hết sức thay tiếng thuần Việt
vào tiếng Hán-Việt (ông gọi là tiếng Tàu, tiếng « Chệt ») ; mượn thêm tiếng
nước khác để làm giàu tiếng Việt ; đồng thời gạt bỏ cái thói rởm là thích
diễn thuyết bằng Hán văn (nhân bài diễn văn của Vua Khải-Định viết bằng
chữ Hán, đọc tại trường Đại-học Hà-Nội).
Chúng tôi nhận thấy những ý kiến của tác giả lá thư ngỏ (tóm lược
trên đây) đều chính đáng, nhất là trong những năm đầu thế kỷ này, giai
đoạn cần phải chuyển hướng tiếng Việt trong mọi lãnh vực ngôn ngữ : dùng
« chữ quốc ngữ » thay thế chữ Nôm ; tạo lập từ ngữ mới để diễn tả tư tưởng
mới và phiên dịch sách báo Âu-Mỹ ; kiện toàn ngữ pháp và văn pháp (nhất
là văn xuôi)… Nhưng nhóm Nam-Phong đã nắm ngay lấy một vài sơ hở
(vụng về trong cách dùng từ ngữ Việt v.v…) của Nguyễn-Hảo-Vĩnh để
phản công, vừa đả kích đối phương vừa bênh vực chủ-trương của Nam-
Phong – viện lẽ rằng « xưa nay vẫn thường dùng chữ Tàu » (…) « Chữ
Nho… từ đời cổ xưa không phải là văn tự riêng của một nước Tàu rồi (…)
người Việt-Nam lấy chữ Nho làm văn tự… đã hầu thành riêng của mình rồi
(…) », « chữ Nho có hại gì cho quốc ngữ ? » – họ khuyên Nguyễn-Hảo-
Vĩnh « nếu không hiểu những chữ « chệt » trong Nam-Phong thời hãy đọc
cho thuộc những tờ tự-vựng ở dưới thời sẽ hiểu. Chớ lấy mình không hiểu,
lại vội chê người làm khó xem… ».
Rốt cuộc nhóm Nam-Phong lờ hẳn phần chủ chốt của lá thư ngỏ vấn
đề tiếng Việt – tức là như Nguyễn-Hảo-Vĩnh đề nghị : nuôi nấng vun trồng
« tiếng mẹ đẻ » ; dùng tiếng thuần-Việt thay thế những « chữ Tàu » (Hán
Việt) không cần thiết, cầu kỳ hoặc khó hiểu. Đồng thời họ lái lệch vấn đề
sang chiều hướng riêng của Nam-Phong : đề cao chữ Hán, suy tôn Hán học.