socialisme », « cộng sản chủ nghĩa » do tiếng « communisme » v.v… dịch
ra « chữ Nho » !).
4. Về tên đất, tên người, Phạm-Quỳnh đề nghị chỉ nên giữ lại những
tiếng Hán-Việt đã thông dụng như tên các châu, các đại-dương, các đại
danh nhân (như Nã-Phá-Luân, Hoa-Thịnh-Đốn…), một vài quốc-gia quen
thuộc (như Pháp, Anh, Đức…), còn nững tên khác « nên viết theo chữ Tây
(…) rồi chua âm ra quốc-ngữ (…) như Manchester (Măng-xét-te),
Edimbourg (Ê-đinh-bua) hơn là đọc theo Tàu : Mãn-triệt-đức-nhĩ
(Manchester), Ái-đinh-bộ-nhĩ (Edimbourg)… ». Đề nghị này của Phạm-
Quỳnh thực ra cũng chỉ là ý kiến chung của nhiều vị thức giả đương thời.
Trong phần kết luận, Phạm-Quỳnh không quên nhắc lại lời Nguyễn-
Hảo-Vĩnh trong lá thư ngỏ : « thương tiếng nước nhà », nhưng nói mỉa
ngay : « thương tiếng nước nhà cũng có năm bảy đường », – rồi cảnh cáo :
« Thương mà sai đường thì không những không lợi mà lại hại cho quốc-văn
hơn là ghét bội phần » – và con đường chân chính duy nhất, dĩ nhiên phải
là đường do ông vạch ra : « Tôi cũng nhiệt thành thương tiếng nước nhà,
lâu nay đã tự nguyện hi sinh một đời (sic) để gây dựng cho cái tiếng ấy
thành văn chương (…). Lắm lúc bình tâm tĩnh lự, tự mình lại hỏi mình nên
dùng cách nào cho đạt tới cái mục đích đó. Nghĩ nát ruột mà không tìm
được cách nào, ngoài cái lề lối của ông cha để lại. Nhìn ngược nhìn xuôi,
trông xa trông gần chỉ thấy rừng Nho man mác, lá rậm um tùm, muốn thoát
ra ngoài mà không thoát được, đi mãi không cùng. Bấy giờ mới tỉnh ngộ
mà biết rằng dân mình sinh trưởng trong góc rừng này đã mấy mươi đời,
những khi phong ba bão táp được ẩn thân ở dưới cây lớn cỗi cao, nay
muốn thoát ly mà ra ngoài bông-lông trong đồng rộng để khơi sao đành ?
Chi bằng ta cứ nương náu ở đây, mở rộng phá giang, mở đường xẻ lối, cho
tiện sự giao thông, để đón lấy gió Âu mưa Mỹ… ». Câu chót là để gián tiếp
nhắc ông Nguyễn-Hảo-Vĩnh : « Ai ôi ! (…) Có thương tiếng nước nhà nên
thương cho phải đường » – tức là ngoài đường lối trên đây của ông quỳnh
và nhóm Nam-Phong, không còn « đường phải » nào khác nữa !