Xem đại-khái thí-dụ như vầy thì biết. Xưa nay trẻ vẫn gọi người sinh
đẻ ra là cha hay bố, là u hay mẹ. Nếu bây giờ ông bảo không được, phải
gọi cha là phụ, hay phụ thân, hay ông thân sinh, gọi mẹ là mẫu, hay mẫu
thân, hay bà thân sinh. Hay ông lại bảo không được, phải gọi là maman,
papa. Chắc trẻ nó cười mà chẳng nghe ông nào : cái đầu lưỡi nó uốn, cái
cuống họng nó đã bật ra những tiếng mẹ, cha tự lúc nó mới lên hai bập bẹ
học nói lâu ngày quen đi mất rồi, không tài nào sửa lại được nữa. – Người
thầu khoán nói thuê xe ra nhà la ga
để đi một nơi nào có việc. Nếu bây
giờ ông bảo không được, phải gọi là nhà la ga là chỗ xe lửa đỗ. Hay ông
lại bảo phải nói là đình-xa-sở. Người thầu khoán cũng cười mà chẳng nghe
nào : Tự lúc trong nước có xe lửa đi lại họ vẫn chỉ biết nếu muốn đi xe lửa
tất phải ra nhà la ga lấy vé rồi đợi có chuyến xe mới đi được. – Ông quan
nói lấy pháp-luật mà trị dân. Ông bảo không, phải nói là lệ nước, hay phải
dùng chữ loi. Chắc ông quan nghiêm trang mà bảo ông chỉ sinh sự hão :
Chữ pháp luật xưa nay trên tự triều-đình dưới đến dân-gian ai cũng hiểu là
những điều đã thi hành trong nước mà ai sống ở trong nước cũng phải noi
theo cả.
Xét như vậy thì các ông có nói lắm cũng hoài hơi. Tiếng nói là ở như
sự cần dùng của nhiều người mà lập thành, chớ không phải ở như các cụ
thánh-nhân đời xưa hay các ông thánh-nhân đời nay đặt ra được. Vả chăng
trước khi sinh ra tiếng tất đã có tư tưởng : Tư-tưởng hay đồ vật sinh ra
tiếng. Tiếng chỉ là cái hình ngoài để bọc cái hồn tư-tưởng ở trong thôi. Vậy
cái gì trong tâm-trí đã có nghĩ qua mà muốn diễn ra ngoài thì tất phải
mượn một tiếng gì để nêu dệt ra cho thiên hạ người ta biết. Mà khi tiếng đã
nêu dệt rõ ràng được tư-tưởng rồi, ai ai cũng công nhận cả, thì khó lòng
mà phá hoại đi được, khó lòng mà bảo nhất-đán bỏ cũ thay mới được.
Nói thế hoặc có ông hỏi rằng : « Thế thì ra tiếng nói đã nhiều người
dùng tất ta phải theo. Chẳng hóa các nhà làm văn lại phải hạ thân dùng
những tiếng của thường dân đặt để ra hay sao ? » – Ấy chính phải thế.
Tiếng nói không phải là một đồ vật riêng cho một bọn làm văn thôi ; tiếng
nói là chung cho cả nhân-dân trong một nước… ».