TỔNG KẾT
Đọc lại những tác phẩm quốc văn dù viết bằng « chữ Nôm » hay « chữ
quốc ngữ » từ 1901-1902 đến 1925-1926 – tức là qua những Trần-tế-
Xương, Nguyễn-Khuyến, Chu-mạnh-Trinh… rồi đến các tác giả thuộc hai
Phong trào Đông-Du và Duy-Tân (kể cả các tổ chức nghĩa thục miền Trung
và Đông kinh Nghĩa thục Hà-nội) như Trần-quý-Cáp, Phan-bội-Châu,
Phan-chu-Trinh, Huỳnh-thúc-Kháng, Ngô-đức-Kế… tiếp đến Nguyễn-văn-
Vĩnh với nhóm Đông Dương tạp chí và Trung Bắc tân văn, Phạm-Quỳnh
với nhóm Nam Phong, và các văn thi sĩ độc lập như Nguyễn-khắc-Hiếu,
Trần-tuấn-Khải… chúng tôi có thể tổng lực tình trạng tiếng Việt của 25
năm đầu thế kỷ này bằng một vài nhận định :
NHẬN XÉT CHUNG
Ngược lại với chủ trương của phái « Nho Tàu » coi chữ Hán và Hán
văn là tối thượng, chữ Nôm và tiếng thuần Việt là « nôm na mách qué » do
đó tạo ra tệ đoan « nói chữ » tức là pha trộn nhiều tiếng Hán không cần
thiết vào ngôn ngữ Việt ; đồng thời cho rằng chỉ có thơ phú mới là văn
chương, còn văn xuôi chỉ là ngôn ngữ thông thường, hơn nữa họ coi « chữ
quốc ngữ » là chữ của Tây, của bọn xâm lăng cướp nước… Từ những năm
đầu thế kỷ, một số « sĩ phu giác ngộ » chủ trương dùng nhiều văn Nôm và
cổ động học « chữ quốc ngữ » là loại chữ tiện lợi và dễ học, có thể phổ biến
nhanh chóng và rộng rãi trong dân chúng và dùng làm phương tiện truyền
bá tư tưởng, học thuật cho toàn dân :
- Xuất phát từ miền Nam : việc học « chữ quốc ngữ » lan ra miền
Trung rồi sau cùng đến miền Bắc nhờ sự cổ động của phong trào Duy-Tân
và tổ chức Nghĩa thục của phong trào này – đồng thời, việc văn xuôi được
sử dụng để trước tác và phiên dịch sách Tây, sách Tàu (khởi đầu do
Trương-Vĩnh-Ký và Huỳnh-tịnh-Của từ cuối thế kỷ trước).