Đàng khác, việc đào tạo nhân viên giảng huấn cấp I còn cho phép
chúng ta thu dụng một số nho sĩ và cung cấp cho họ một hoàn cảnh xứng
đáng để sinh sống. Trường Sư phạm, vừa được tổ chức nhằm đào tạo giáo
viên trường tổng, tuyển người học trong số các thí sinh trượt ở các kỳ thi
triều đình. Kỳ thi nhập học vào trường này được tổ chức trong nhiều tỉnh
trong tháng Chạp. Trường hậu bộ, năm ngoái được tăng cường một Ban Sư
phạm cũng lôi cuốn càng ngày càng đông những người thi đậu các kỳ thi
văn chương cũ. Kỳ thi nhập học Ban Sư phạm tổ chức tam cá nguyệt vừa
qua, 93 thí sinh đều là Cử nhân hay Tú tài đã ghi danh, và 83 đã dự thi
trong khi học bổng chỉ có 10. Do đó những nho sĩ xung-khắc với ảnh-
hưởng của chúng ta càng ngày càng trở nên ít ỏi.
Sau cùng, việc cải tổ học chánh bản xứ sẽ làm cho nền học chánh cổ
truyền đó xích lại gần nền học chánh Pháp Việt và một ngày kia có thể sát
nhập cả hai làm một. Sự sát nhập đó được chuẩn bị bằng cách tổ chức lại
nền học chánh Pháp Việt như Hội đồng Cải cách Học chánh đã hiểu. Thực
ra không nên dấu diếm việc sát nhập hoàn toàn sẽ rất khó thực hiện, nhưng
có thể làm cho hai nền học chánh từ trước đến nay không có gì chung, xích
gần nhau ; và chúng ta có một lợi ích chính trị lớn lao vào bậc nhất nếu
biến đổi và bổ sung nền học chánh Pháp Việt bằng một nền văn hóa cổ
truyền cần thiết.
Lý do là vì chúng ta không thể ngăn chặn mãi mãi những thanh niên
An-nam được đào tạo trong các trường của chúng ta vào các ngạch trật
của nền hành chánh bản xứ. Vậy mà những người tốt nghiệp ở các trường
trên hiện nay không có văn hóa cổ truyền và kiến thức cần thiết để được
tuyển dụng làm quan. Do đó, cần thiết phải tổ chức nền học chánh Pháp
Việt thế nào để các sinh viên đã theo học có thể được coi như ngang hàng
với những người đậu các kỳ thi Hương Hội, sau khi họ tốt nhiệp.
Đó là mối bận tâm trội bật trong các buổi thảo luận ở Hội đồng Cải
Cách, nhưng phiền thay, tôi sợ rằng còn lâu mới thực hiện được tất cả
những thỉnh nguyện của Hội đồng trên vì thiếu ngân khoản…