Những người Việt tha thiết về việc truyền bá chữ quốc ngữ, được đặc
biệt lưu ý coi như một điểm đáng kể hàng đầu trong những đề nghị thăng-
thưởng cũng không phải vì mục đích văn hóa, dân tộc, nhưng vì quyền lợi,
và do đó khách quan cộng tác với một chính sách xâm lược tinh thần của
thực dân chống lại dân tộc, tổ quốc.
Chính vì chữ quốc ngữ bị lợi dụng như một công cụ gắn liền với
những chính sách xâm lược tinh thần của thực dân, nên các nho sĩ yêu nước
đã chống lại sự lợi dụng trong việc truyền bá chữ quốc ngữ của thực dân.
Nhưng sau khi nhận ra chữ quốc ngữ chỉ lợi cho địch, vì ở trong tay
địch, và hại cho ta, vì không ở trong tay ta, giới sĩ phu đã tranh đoạt lại lợi
khí trên và biến nó thành một phương tiện kêu gọi lòng yêu nước lợi cho ta
và hại cho thực dân.
Tóm lại, việc tìm hiểu chữ quốc ngữ và việc phổ biến nó trong giáo
dục văn học phải được đặt trong « bối cảnh lịch sử » của nó, nghĩa là trong
một trận tuyến đấu tranh chính trị trên mặt trận văn hóa, văn học, giữa ta và
thực dân Pháp, mới thẩm định một cách nghiêm chỉnh ý nghĩa, giá trị
những chủ trương, hành động liên quan đến việc truyền bá, đề cao chữ
quốc ngữ. Nói cách khác, không phải cứ nói đề cao chữ quốc ngữ là yêu
nước vì có những người yêu nước, chống thực dân, trong một hoàn cảnh
nhất định đã chống lại việc truyền bá chữ quốc ngữ. Vấn đề phải xét ở đây,
không phải chỉ nói là cái gì – mà chủ yếu là ai nói, đứng ở bên nào trong
trận tuyến, và nói nhằm mục đích gì ?
Do đó, muốn tìm hiểu một cách xác đáng cái gọi là công trình truyền
bá quốc văn quốc ngữ của những nhà văn tiền phong của Đông dương tạp
chí, Nam phong tạp chí, phải đặt nó trong chính sách lợi dụng chữ quốc
ngữ của thực dân và thẩm định công trình của nó trong khuôn khổ sự lợi
dụng chính trị trên.