C. NHỮNG CHỐNG ĐỐI VÀ KHÓ KHĂN TRONG VIỆC CƯỠNG
BÁCH DÙNG CHỮ QUỐC NGỮ
Việc cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ trong hành chánh, học chánh, do
nhà cầm quyền Pháp chủ trương lúc ban đầu ở Nam kỳ đã gặp nhiều chống
đối và khó khăn. Có chống đối xuất phát từ đông đảo dân chúng, giới Sĩ
phu nhưng ngay cả những người chấp nhận thuộc địa, đứng ở phía người
Pháp cũng chống đối nhân danh chính quyền-lợi của Thuộc địa, Thực dân.
I. CHỐNG ĐỐI CỦA SĨ PHU
Lúc Pháp vừa chinh phục xong Nam kỳ, dân chúng sĩ phu, nếu không
tích cực tham gia những tổ chức kháng chiến, thì cũng tẩy chay, bất hợp tác
với kẻ thù. Tây đi tới đâu, họ bỏ đó đi chỗ khác, và viên chức cai-trị thì đốt,
hoặc dấu hết bộ sổ, giấy tờ hộ tịch. Tình trạng bất hợp tác đó đã được
Cultru ghi lại như sau : « Nếu vì một phép lạ nào Sĩ phu An-nam hợp tác
với người Pháp chống lại Vua của họ, thì việc cai trị Nam kỳ sẽ dễ như một
trò chơi. Nhưng người An-nam có học, hạng thượng lưu trung thành với
luật pháp xứ sở họ, những người này chỉ có thể coi chúng ta như kẻ thù.
Nông dân, vì đồng ruộng, mùa màng, súc vật của họ mà phải ở lại trong
làng ; ngó qua tưởng như chịu khuất phục, thực ra họ chẳng khuất phục gì
cả. Còn bọn quan lại hễ ta đến chiếm đâu, họ bỏ đó mà đi tất cả ».
Trong tình hình lúc đó, việc bất hợp tác là một thái độ liêm sỉ nên rất ít
ai chịu ra làm việc cho Pháp, vì chịu cộng tác là vô liêm sỉ, là bị hiểu như vì
danh lợi, và do đó mất hết uy tín, ảnh hưởng. Theo Phó Đề-đốc Rieunier
chỉ còn hai hạng người chịu cộng tác là người Công giáo và bọn lưu manh
đểu giả. Dân chúng, sĩ phu chống Pháp chống tất cả những chính sách Pháp
đề ra và những gì liên hệ đến sự xâm lăng thống trị của Pháp, như Thiên
Chúa Giáo.
Chữ quốc ngữ được Pháp lợi dụng như một công cụ xâm lược tinh
thần, thực hiện đường lối đồng hóa gắn liền với những nghị định cai trị.
Đứng ở tư thế một người dân mất nước, người trí thức trong hoàn cảnh đó,