làm sao không chống lại việc truyền bá thứ chữ trên, nhất là khi nhận rõ
âm-mưu thâm độc của Thực dân nhằm tiêu diệt tinh thần dân tộc, luân lý
đạo giáo mà chữ Nho lúc đó là con đường dẫn tới và nuôi dưỡng nó ?
Một người liêm sỉ trong cái nhục mất nước còn nóng hổi không thể
làm khác được. Một người như Nguyễn Đình Chiểu, tiêu biểu cho tinh thần
bất khuất của cả miền Nam lúc đó, càng không thể không chống đối việc
Pháp cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ, vì chấp nhận dùng thứ chữ đó, không
thể và cũng chưa đến lúc xét tới giá trị khách quan của nó, chỉ có nghĩa là
một sự khuất phục kẻ xâm lăng.
Thời đó, lệnh của Thực dân đưa xuống tận làng xã bắt trẻ con đi học
trường dạy chữ quốc ngữ như bắt lính và bọn Hương chức, đầu hàng địch,
phải tỏ ra sốt sắng truyền bá chữ quốc ngữ bằng cách khuyến dụ, cưỡng ép
trẻ con đi học, để mong được thăng ngạch như Nghị định đã nói rõ. Ông
Phan Văn Hùm, người trong gia đình, thuật lại thái độ của Đồ Chiểu với
chữ quốc ngữ : « Tiên sinh vốn không ưa chữ quốc ngữ. Ông Nguyễn Đình
Chiêm con thứ bảy của Tiên sinh, có thuật cho hiệu giả chuyện sau này :
Bấy giờ ông còn bé, Hương chức trong làng đến xin cho ông đi học chữ
quốc ngữ. Tiên sinh gắt lên : « Tôi vì đâu mà phải đến góc biển chân trời
này, các ông sao lại còn đem chuyện đó mà nói cùng tôi. »
Nhiều người biên khảo bây giờ nhận định về thái độ chống đối của sĩ
phu thời Đồ Chiểu thường coi đó là một thái độ cố chấp, cực đoan quá
khích, nhưng mặc dầu sự chống đối đó, chữ quốc ngữ vẫn được truyền bá
toàn thắng : « Cho nên, mặc dầu sự chống đối của cả một thế hệ nho sĩ ở
trong đó có những người nhiều uy tín như Nguyễn Đình Chiểu, mặc dầu bị
cản trở bởi những lý do sâu xa như lòng tự ái dân tộc, tinh thần yêu nước
v.v… cuối cùng chữ quốc ngữ đã được toàn dân sử dụng và công nhận là
quốc tự ».
Lý luận như thế có vẻ vừa nhục mạ những người chống chữ quốc ngữ
vì tự ái dân tộc hẹp hòi nên cố chấp, ngăn chặn một lợi ích cho dân tộc, vừa
nhục mạ những người mặc dầu sự chống đối cố chấp trên, vẫn làm cho chữ