Theo những người này ở Nam kỳ có hai thứ tiếng, chữ có thể thông
dụng, một là chữ Pháp mà họ muốn học, hai là chữ Nôm mà họ đều đọc
viết được. Nhà cầm quyền Pháp, thi hành chính sách đồng hóa, không bắt
học nguyên chữ Pháp mà lại cưỡng bách học thứ chữ mà họ gọi là Quốc
ngữ Tàu vì tiếng Việt còn nghèo nàn, chưa đủ tiếng, chữ để chỉ thị những
khái niệm chuyên môn, trừu tượng nên bó buộc các nhà học giả Tây, ta theo
Pháp đã lập ra chữ mới từ chữ Hán rất tối nghĩa. Thứ chữ viết với những từ
ngữ mới Hán-Việt rất khó hiểu đó lại được chính thức dùng trong các giấy
tờ hành chánh mà họ không thể đọc được hoặc đọc sai, không hiểu, nên họ
đành phải đi nhờ Thông ngôn xuất thân từ trường Thông ngôn thông thạo
cả chữ Pháp, chữ quốc ngữ đọc dùm. Nhưng như đã nói trên, những người
đi học trường Thông ngôn là bọn vô học, côn đồ, thành tích bất hảo, chữ
Nho bập bẹ, chữ quốc ngữ cũng không thông, nhứt là những từ ngữ Hán
mới nên dĩ nhiên là hiểu trật và kết quả là họ bị phạt vạ, đi tù vì không làm
những điều luật lệ bắt làm hay làm sai do những ông Thông ngôn dịch bậy.
Tình trạng trên làm cho họ bất mãn, vì họ vừa phải trả tiền sự ngu dốt
của một Thông ngôn ăn tiền, hối lộ, sách nhiễu, vừa trả tiền những hậu quả
sự ngu dốt của chúng gây ra (hiểu lầm luật lệ văn thư bị phạt vạ) và do đó
họ đòi bãi bỏ chữ quốc ngữ.
Chúng tôi tìm thấy một thư thỉnh nguyện của một số thân hào nhân sĩ
chấp nhận chế độ thuộc địa, chánh sách đồng hóa và họ nhân danh những
quyền lợi của chính người Pháp, của thuộc địa, của chính sách đồng hóa để
yêu cầu Hội đồng Thuộc địa Nam kỳ can thiệp với nhà nước bãi bỏ chữ
quốc ngữ. Sau đây là nguyên văn bản dịch lá thư thỉnh nguyện bằng tiếng
Pháp :
Kính gởi Ông Chủ Tịch Hội đồng Thuộc địa và các vị trong Hội đồng.
Thưa Quí vị,
Việc nhà cầm quyền cao cấp chú ý xét những thỉnh nguyện mà quí vị
nêu lên trong các buổi họp của quí vị, khuyến khích chúng tôi gởi tới quí vị
yêu cầu nếu có thể được bác bỏ thứ chữ quốc ngữ Tàu.