Châu phải mất lâu thời giờ hơn. Chúng ta tưởng chúng ta toàn thắng và
dân chúng cũng không thể không chịu nhận những thành quả đó một cách
hiển nhiên như vậy.
Sau một năm, đứa trẻ về nhà cha mẹ. Nó biết đọc, nó biết viết. Người
cha hỏi nó, đứa trẻ chẳng biết gì và mọi người đều khinh bỉ cái hiểu biết
con vẹt của nó và đứa trẻ bị nhục nhã, vội vã bỏ qua tất cả những gì nó đã
học theo lệnh của viên chức xã ấp để làm hài lòng nhà cầm quyền Pháp.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn sang phía các làng Công giáo, cũng
những nhà trường tương tự, dưới sự hướng dẫn của các thừa sai, chúng ta
ngạc nhiên nhận thấy ở đó người ta biết đọc tiếng An-nam Nôm na, ở đó
người ta biết viết thứ tiếng đó, và ở đó người ta theo học một cách chăm
chỉ mà không cần ông quan nào làm áp lực đối với dân chúng. Chính vì
đứa trẻ Công giáo không tập đọc trong công báo, nhưng tập đọc trong
phúc âm. Khi về nhà chỉ tốn vài quan, nó mua được nhiều sách do các
Thừa sai in. Và ban tối, nó làm cho cả nhà vui sướng khi đọc lên những
chuyện đạo đức hay những chuyện các thánh. Và gia đình sung sướng, ngợi
khen những người Âu Châu đã mang đến cho dân nghệ thuật tài ba : tập
đọc được trong vài tháng những điều cao cả. Và người ta thương hại
những người lương phải mất 4 hoặc 5 năm học mới đọc được vài ba cuốn
đạo đức của nền nho học.
Chúng ta đã mở trường, nhưng chúng ta không in một cuốn sách giáo
khoa nào. Đó là lý do tại sao ít thành công. Đã từ lâu tôi yêu cầu mà không
được để có thể dịch những sách lịch sử An-nam và đạo lý Trung quốc dưới
sự coi sóc của một ủy ban chuyên môn. Dân chúng, ít khi nghe biết thứ
tiếng bác học, sẽ hoan hỉ có được những sách đó trong tay dịch ra bằng
tiếng bình dân. Họ sẽ mua và sẽ đọc. Chúng ta có nhiều Thừa sai và quan
cai trị có thể làm việc dịch đó ».
Cuối cùng Luro yêu cầu Đề đốc đưa phúc trình của mình cho hai
người khác duyệt xét là Philastre và Legrand de la Liraye.