Một cách tổng quát, Philastre và Legrand de la Liraye đồng ý với Luro
không thể bãi bỏ tức khắc chữ nho và phải tiếp tục dùng chữ quốc ngữ
nhưng phải dạy kiến thức của đạo lý nho học : « Ở đây, tôi trở lại ý kiến
của Luro mà tôi hầu như hoàn toàn đồng ý. Để đạt tới kết quả đó, phải làm
sao trước hết để người ta đến trường học của chúng ta và điều kiện thứ
nhất để người ta chịu đến là biết chắc rằng sẽ tìm được những gì họ muốn
biết, nghĩa là đạo lý Trung Hoa. Nếu người ta biết chắc sẽ dạy ở trường
chữ nho, nghĩa là triết lý, lịch sử, và tất cả các môn khác mà người An-nam
biết, người ta sẽ đến trường nếu việc dạy không quá đắt, và ngay cả trong
thời kỳ đầu, ít đắt bằng trả tiền thầy dạy ở làng. Người ta sẽ không chống
lại việc học chữ viết bằng mẫu tự La-tinh, nếu tiếng An-nam được thay thế
để dịch một vài tác phẩm Trung Hoa cơ bản và cổ điển. Nếu sau đó, người
ta cung cấp cho các học sinh những sách viết bằng tiếng An-nam và chứa
đựng nhiều ý tưởng mới mẻ đối với họ, họ sẽ tiếp tục học và chữ nho sẽ mất
một phần ảnh hưởng và người An-nam sẽ bắt đầu viết bằng chữ của họ ».
(Saigon 22.12.1872)
Legrand de la Liraye cũng nhận định như Luro là : « sau 10 năm, thí
nghiệm việc dùng những mẫu tự La-tinh không bắt rễ được vào dân chúng
trong 6 tỉnh của chúng ta và chỉ có các Thừa Sai hình như thành công vì họ
biết cung cấp cho các gia đình công giáo một số những sách hay ».
Rồi Legrand de la Liraye nêu vấn đề : Có nên cưỡng bách việc học
hay để tự do, có nên duy trì việc học chữ nho như trước kèm theo việc học
chữ quốc ngữ với một vài khái niệm về văn Phạm tiếng Pháp, toán số, sử-
địa và sau cùng có nên giới hạn việc mở trường ở các tỉnh, phủ, huyện ?
« Hình như chúng ta đã bắt đầu bằng một cách sai lầm khi nhất định
muốn thay thế bằng được ở khắp nơi việc giáo dục trong nước bằng việc
học chữ Việt theo mẫu tự La-tinh, bằng cách bắt dân chúng phải viết đơn
bằng chữ quốc ngữ và bằng cách bắt họ học thứ chữ viết đó trong hầu hết
các làng và bằng cách lập ở khắp các chợ lớn những trường không thầy
không sách học.