dân sinh, dân quyền v.v…) tùy thuộc vào việc có chủ quyền hay không. Có
chủ quyền mới kiến tạo xây dựng phát triển thực sự được, không có chủ
quyền không có kiến tạo xây dựng phát triển thực sự.
3. Nguyễn Văn Vĩnh nói : « Chữ nho chính là hàng rào chắn ngang
đường văn minh », còn Phạm Quỳnh nói : « Chữ quốc ngữ, công cụ kỳ diệu
giải thoát về đường trí thức ».
Tự bản thân, chữ viết chỉ là một phương tiện, nó trở thành phương tiện
ngăn chận hay giải thoát, tùy ở người dùng nó, chứ không phải tự nó mang
tính chất khả năng giải thoát hay ngăn chận, áp bức.
Do đó, nếu chữ nho là hàng rào chắn ngang đường văn minh không
phải vì bản thân chữ nho mang khả năng ngăn cản, nhưng vì thái độ bảo
thủ, cố chấp của một số nhà nho. Nói cách khác, hàng rào ngăn cản, nếu có,
không phải là chữ nho, nhưng là một thái độ, tinh thần cố chấp bảo thủ.
Như thế cũng đã rõ vấn đề không phải là chống chữ nho, nhưng là chống
thái độ bảo thủ, cố chấp mà thôi. Vì khi người ta có một thái độ cởi mở, cầu
tiến, thì chữ viết nào cũng có thể trở thành một phương tiện học hỏi, giải
thoát. Đối với các nhà nho Trung quốc và Việt nam hồi đầu thế kỷ, trong
phong trào tân thư, chữ nho chắc chắn đã không phải là hàng rào chắn
ngang con đường văn minh như Nguyễn Văn Vĩnh nhận định, nhưng chính
là con đường giải thoát đưa vào văn minh Tây phương. Qua phong trào Tân
thư, chữ nho đã chứng tỏ có khả năng tiếp thu, diễn tả tất cả những tư
tưởng, kiến thức khoa học, văn hóa Tây phương…
Nhưng có kiến thức nhờ chữ viết là một chuyện, thực hiện những kiến
thức tiếp thu được là một chuyện khác. Dĩ nhiên điều kiện thực hiện những
kiến thức không phải là chữ viết, nhưng là chính trị (có chủ quyền, độc
lập).
Trung quốc, Nhật Bản, Cao Ly trước 1945 và ngày nay có văn minh,
trở thành một nước tiền tiến (văn minh theo nghĩa Âu hóa tiếp-thu những
kiến thức khoa học kỹ thuật Tây phương) mặc dầu những nước đó không
có chữ quốc ngữ, viết bằng mẫu tự La-tinh và vẫn dùng chữ nho, hoặc chữ