Nhật, chữ Cao Ly là những chữ tượng hình tương tự chữ Hán để tiếp thu và
diễn tả những kiến thức khoa học, kỹ thuật, tư tưởng Tây phương ? Trái lại,
Việt-Nam có chữ quốc ngữ mà nhiều người vẫn coi sự kiện có chữ viết
bằng mẫu tự La-tinh như một đắc thắng chữ nho, chữ nôm, có tiến bộ văn
minh bằng cách Âu hóa bằng những nước trên hay không ?
Cho nên yếu tố quyết định sự tiến bộ không phải là chữ viết, tiếng nói,
mà là tự do hay nô lệ. Một nước bị đô hộ, dù có tiếng nói thống nhất, chữ
viết thuận lợi mấy đi nữa, cũng không thể tiến bộ phát triển được. Trái lại,
một nước độc lập tự làm chủ vận mệnh của mình thì dù chữ viết phải vay
mượn, hay có chữ viết khó học, khó đọc mấy đi nữa cũng vẫn tiến bộ phát
triển được, vì cái khó không phải luôn luôn là nguyên nhân cản trở sự tiến
bộ và cái dễ không nhất thiết là yếu tố thuận lợi.
Mỗi chữ viết đều có cái khó, cái dễ, cái lợi, cái bất lợi của nó.
Chữ nho, một thứ chữ tượng hình có cái bất lợi cũng có cái lợi của nó,
chữ quốc ngữ cũng vậy.
Ở Trung quốc, Nhật Bản, đã có nhiều thí nghiệm áp dụng thứ chữ viết
theo mẫu tự La-tinh, nhưng rồi lại tạm gác lại. Sự kiện đó cho thấy chữ viết
tượng hình có những bất tiện mà người ta muốn khắc phục bằng chữ viết
theo mẫu tự La-tinh, nhưng chữ viết theo mẫu tự La-tinh phải chăng lại tạo
ra những khó khăn khác có thể lớn hơn, nên rốt cục người ta đành giữ lại
chữ viết của truyền thống ? Còn chữ quốc ngữ, sở dĩ đã đắc-thắng được chữ
nho, chữ nôm, không phải vì nó vô cùng tiện lợi hơn chữ nôm, chữ nho, mà
chủ yếu vì một cưỡng bách chính trị do thực dân chủ trương như chúng ta
đã thấy ở trên.
Giả sử nước chúng ta không bị Pháp đô hộ, chắc gì chữ quốc ngữ thay
thế được chữ nho, chữ nôm vì chắc chắn sẽ có một nổ lực để cải tiến chữ
Nôm, như qui định lại chính tả, điều chỉnh, đơn giản hóa những chữ không
hợp lý, phức tạp v.v… để có thể dùng thứ chữ cải tiến đó làm phương tiện
canh tân, Âu hóa như Nhật Bản, Cao Ly đã làm.