Zhilin kiên quyết: “Không đưa hơn năm trăm rub. Còn nếu giết tôi thì
các ông không được gì hết.”
Bọn Tartar lại nói với nhau, sai tên đầy tớ đi đâu đó, còn bản thân họ
thì lúc nhìn Zhilin, lúc nhìn ra cửa. Tên đầy tớ quay lại, và sau hắn là một
người nào đó, cao, gầy, đi chân đất và rách tơi tả, chân cũng bị cùm.
Zhilin kêu a lên, chàng nhận ra Kostylin. Cả anh ta cũng bị bắt. Hai
người được cho ngồi cạnh nhau, bắt đầu kể chuyện cho nhau, còn bọn
Tartar thì yên lặng nhìn.
Zhilin kể chuyện xảy ra với mình, Kostylin thì kể ngựa của anh ta
không chịu đi, súng bị hóc và chính cái gã Abdul đuổi theo và bắt anh ta.
Abdul chồm dậy chỉ Kostylin và nói gì đó. Gã thông dịch dịch lại rằng
hai người bây giờ có chung một ông chủ và ai đưa tiền trước thì được thả
trước. Hắn nói với Zhilin: “Đấy, mày thì nóng giận, trong khi bạn mày thì
hiền hơn, nó đã viết thư về nhà rồi, năm nghìn rub sẽ được gửi tới. Người ta
sẽ cho nó ăn ngon và không xúc phạm nó.”
Zhilin vẫn nói: “Anh bạn này muốn thế và có thể thế, vì anh ta giàu,
còn tôi không giàu. Tôi đã nói thế nào thì sẽ như thế. Các người muốn giết
thì giết, nhưng chẳng được lợi gì, còn nhiều hơn năm trăm rub là tôi không
viết thư.”
Bọn Tartar im lặng. Bỗng Abdul đứng dậy, mở rương lấy giấy bút và
lọ mực đưa cho Zhilin, vỗ vai chàng, chỉ: “Viết đi.” Gã đồng ý với năm
trăm rub.
“Khoan đã” – Zhilin nói với gã thông dịch – “Ông nói ông ta phải cho
chúng tôi ăn tử tế, quần áo giày dép tử tế và được ở chung với nhau, như
thế chúng tôi sẽ vui hơn, và phải tháo cùm ra.”
Chàng nhìn gã chủ và cười. Gã chủ cũng cười, lắng nghe và bảo: “Tao
sẽ cho áo quần đẹp nhất, cả áo khoác và ủng đủ để cưới vợ. Sẽ cho ăn ngon
như các ông hoàng. Còn nếu muốn ở cùng nhau thì cho ở trong nhà kho.
Nhưng cùm thì không tháo được, sẽ trốn mất. Đến tối tao mới tháo.” Gã
đứng dậy, vỗ vai: “Mày tốt, tao tốt!”
Zhilin viết thư, nhưng trên thư không đề địa chỉ để thư không tới nơi
được. Chàng tự nhủ: “Mình sẽ đi khỏi đây.”