Họ đưa Zhilin cùng Kostylin về nhà kho, mang tới đó rơm, bình nước,
bánh mì, hai chiếc áo cherkeska
cũ và hai đôi ủng lính đã mòn vẹt. Chắc
là lấy được của mấy người lính chết. Đêm họ tháo cùm và khóa cửa kho lại.
III
Zhilin sống cùng anh bạn như vậy suốt một tháng. Gã chủ cứ cười
suốt: “Mày, Ivan, tốt – tao, Abdul, tốt.” Nhưng cho ăn rất tồi, toàn bánh dẹt
không men làm bằng kê nướng lên, hoặc đôi khi chỉ là cục bột nhồi chưa
nướng.
Kostylin lại viết thư về nhà lần nữa, trông đợi tiền chuộc gửi tới và
buồn rũ. Anh chàng hoặc suốt ngày ngồi trong nhà kho tính xem ngày nào
thư đến, hoặc ngủ. Còn Zhilin thì biết bức thư của mình chẳng bao giờ đến,
mà cũng chẳng viết thư khác.
“Mẹ mình lấy đâu ra số tiền như vậy mà trả chứ. Bà cụ sống thêm
được như thế này là nhờ tiền mình gửi. Nếu bắt bà gom đủ năm trăm rub thì
có mà phá sản; Chúa phù hộ, mình sẽ tự lo liệu.” Chàng nghĩ vậy, và bắt
đầu xem xét, nghĩ ngợi xem sẽ trốn ra sao.
Chàng đi lại trong làng, huýt sáo; khi thì ngồi một chỗ hí hoáy làm gì
đó, khi thì nặn những con búp bê bằng đất sét, khi thì lấy cành non tết thành
những cái giỏ. Zhilin vốn giỏi những món thủ công này.
Có lần chàng nặn con búp bê có mũi, tay, chân và mặc váy của người
Tartar, rồi đặt con búp bê lên mái.
Các thiếu phụ Tartar đi lấy nước qua. Dina, con gái gã chủ, trông thấy
con búp bê trên mái kho, gọi các bà lại. Các bà bỏ bình, đứng ngắm con
búp bê và cười. Zhilin mang con búp bê xuống tặng họ. Họ cười nhưng
không dám lấy. Chàng để con búp bê lại, đi vào kho và ngó xem chuyện gì
xảy ra.
Cô bé Dina chạy tới, nhìn quanh, chộp lấy con búp bê rồi bỏ chạy.
Buổi sáng sớm chàng thấy Dina bước ra cửa với con búp bê. Con búp
bê được bọc vải đỏ, như em bé, còn cô bé thì hát ru bằng tiếng dân tộc
mình. Bà già đi ra, mắng mỏ cô bé, giật con búp bê bẻ gẫy và sai Dina đi
đâu đó.