những ngón tay vào tóc chồng, chị vừa nói: “Anh Vanya thân yêu, hãy nói
thật cho vợ anh nghe đi, có phải anh làm điều đó không?”
“Cả cô cũng không tin tôi ư?” – Aksyonov nói và hai tay bưng lấy
mặt. Sau đó một người lính tới báo đã đến lúc chị vợ và lũ trẻ phải đi về, và
Aksyonov chia tay với vợ con lần cuối cùng.
Khi họ đã đi khỏi, Aksyonov nhớ lại những gì đã được nói ra, và anh
nhớ rằng cả vợ của anh cũng nghi ngờ anh, anh tự nhủ: “Có lẽ chỉ có Chúa
mới biết được sự thật, chỉ có nơi Người là ta có thể thỉnh cầu, chỉ có nơi
Người ta có thể chờ đợi sự ân xá.” Và Aksyonov thôi không viết đơn thỉnh
cầu nữa, không còn hy vọng gì, chỉ còn cầu Chúa.
Aksyonov bị tuyên phạt đánh roi và đưa đi lao động khổ sai ở mỏ.
Anh bị đánh bằng roi da, rồi khi những vết thương do bị đánh lành lại thì
anh được chuyển tới Siberia cùng với các phạm nhân khác.
Hai mươi sáu năm Aksyonov sống cuộc đời một phạm nhân ở Siberia.
Tóc ông trở nên trắng như tuyết, chòm râu của ông mọc dài, thưa và xám
bạc. Sự vui tươi đã rời bỏ ông, lưng ông còng xuống, ông đi chậm, nói ít và
không bao giờ cười, nhưng ông thường xuyên cầu nguyện.
Trong tù Aksyonov học cách làm ủng và kiếm được ít tiền mà ông
dùng để mua cuốn sách Cuộc đời của các vị thánh. Ông đọc cuốn sách đó
khi trong tù còn đủ ánh sáng. Vào các Chủ nhật ông đọc kinh và hát trong
dàn đồng ca ở nhà thờ của nhà tù vì giọng của ông vẫn còn tốt.
Quản giáo nhà tù thích Aksyonov vì tính hiền lành, còn các bạn tù thì
kính nể ông, họ gọi ông là “ông nội” và “ông thánh.” Khi họ muốn xin nhà
tù điều gì, họ luôn để Aksyonov làm người phát ngôn, và khi giữa các tù
nhân có cãi cọ, họ gọi ông tới dàn xếp, phân xử sự việc.
Aksyonov không nhận được tin tức gì của gia đình, ông thậm chí
không biết vợ con ông có còn sống hay không.
Một ngày kia có một toán phạm nhân mới được đưa tới nhà tù. Buổi
chiều, những tù nhân cũ tụ họp quanh những người mới để hỏi han xem họ
từ làng xã hay thị trấn nào tới và bị kết tội gì. Aksyonov vào sau và ngồi
xuống cạnh một tù nhân mới, cúi đầu buồn rầu lắng nghe mọi người nói.