ấy.”
Elisei bật cười:
“Tội quá ông bạn ạ. Lợi tức của ông bằng mười lần tôi, mà ông lại lo
lắng chuyện tiền nong. Chỉ cần nói là khởi hành thôi, tôi cũng nào có tiền
đâu, nhưng rồi sẽ có đủ.”
Efim cũng mỉm cười:
“Xem đấy, có lão nhà giàu xuất hiện đấy” – ông nói – “tiền đâu ra mà
ông có?”
“Vét hết ở nhà thì cũng được đôi chút, còn nếu chưa đủ thì tôi bán bớt
nửa số ong cho ông láng giềng. Lão ta hỏi mua lâu rồi.”
“Nếu chúng tách đàn năm nay thì ông sẽ hối hận đấy.”
“Hối hận ấy ư? Không ông bạn ạ! Trong đời không phải hối hận điều
gì trừ về tội lỗi. Không có gì quý hơn cái phần hồn của mình.”
“Thì vậy, nhưng mọi chuyện ở nhà không ổn thì cũng chẳng yên lòng
được.”
“Nhưng nếu cái phần hồn của mình không ổn thì còn tệ hơn. Ta đã hứa
hẹn rồi thì đi thôi! Thật đấy, cứ đi thôi.”
II
Thế là Elisei thuyết phục bạn mình. Nghĩ ngợi mãi, đến sáng Efim tới
chỗ Elisei.
“Thôi ta đi thôi” – ông nói – “Ông bạn nói đúng đấy. Sống chết là tùy
ý Chúa. Trong khi còn sống và còn sức thì phải đi thôi.”
Một tuần sau hai ông lão đã sẵn sàng.
Ông Efim có sẵn tiền trong nhà. Ông mang một trăm rub đi đường, hai
trăm rub để cho bà lão ở nhà.
Elisei cũng chuẩn bị xong. Ông bán mười thùng cùng lứa ong mới sẽ
làm tổ cho ông láng giềng. Thu tất cả được bảy mươi rub. Ba mươi rub còn
lại thì lấy của mọi người trong nhà. Bà lão trút hết số tiền ky cóp lo ma
chay sau này đưa ông, cô con dâu cũng đưa tiền của mình.
Efim giao mọi việc cho anh con trai cả: nào cắt ở đâu bao nhiêu cỏ,
đánh phân chuồng đi đâu, xây nốt nhà và lợp mái ra sao. Mọi việc ông đều
suy tính, cắt đặt. Còn Elisei thì chỉ ra lệnh cho bà lão chăm sóc lứa ong mới