VI
Ngày thứ tư đến lễ kết thúc mùa chay, Elisei nghĩ: “Thôi để qua lễ với
mọi người, mua cho họ gì đó để cúng, đến chiều mình hãy đi.” Elisei lại
vào làng, mua sữa, bột mì trắng, mỡ muối. Ông cùng bà lão nấu nướng, đi
nhà thờ dự lễ sáng, quay về ăn bữa cơm ngày lễ với mọi người trong nhà.
Hôm đó chị vợ dậy, bắt đầu đi lại được. Còn anh chồng cạo râu, mặc chiếc
áo sạch bà lão mới giặt, đi vào làng gặp ông phú hộ xin giúp đỡ. Ông phú
hộ cho thuê rẻ cả đồng cỏ lẫn đất cày, nên anh đến hỏi xem có thể thuê
trước mùa gặt mới không. Anh quay về lúc chiều tối, buồn bã và bật khóc.
Ông phú hộ không gia ơn, bảo: “Hãy mang tiền tới mới được thuê.”
Elisei lại suy nghĩ: “Làm sao họ sống được bây giờ?” – ông nghĩ –
“Người ta thì có cỏ để cắt, còn họ thì chẳng có gì: bãi cỏ đã gán nợ rồi. Lúa
chín thì người ta được gặt (mà lại được mùa chứ mẹ ơi!), còn họ thì chẳng
có gì để mong đợi: mấy mẫu ruộng đã bán cho ông nhà giàu rồi. Mình mà
ra đi thì họ sẽ lại khốn đốn.”
Elisei cứ dằn vặt suy tư thế nên tối lại không đi, trì hoãn đến sáng hôm
sau. Ông ra ngoài sân ngủ. Cầu nguyện rồi nằm xuống mà không thể ngủ
được: vừa thấy cần phải ra đi vì đã tốn mất nhiều tiền bạc và thời gian, lại
vừa thấy thương những con người ở đây.
“Rõ ràng là không thể nào dứt đi được. Mình muốn mang nước và
mẩu bánh đến cho họ, nhưng rõ ràng là sao đủ được. Giờ phải mua đồng cỏ
và đất cày. Mà nếu mua đất cày, thì phải mua thêm bò cho bọn trẻ và ngựa
cho anh chàng kia chở cỏ. Đúng là mi bị rắc rối rồi Elisei Kuzmich ơi, mắc
vào rồi là lần không ra mối gỡ!”
Elisei ngồi dậy, lấy cái áo khoác gối dưới đầu mở ra, lấy túi thuốc lá ra
ngửi mong gạt bỏ những suy tư khỏi đầu mà không được, cứ nghĩ mãi, nghĩ
mãi. Vừa cần phải ra đi, vừa thương người ta. Rồi họ sẽ ra sao, không biết
được. Lại cuốn cái áo xuống dưới đầu và nằm xuống. Cứ nằm mãi, nằm
mãi, đến lúc gà gáy mới thiếp đi. Bỗng nhiên như có ai đó đánh thức ông.
Ông thấy mình dường như đã mặc quần áo, gậy bị sẵn sàng để đi ra cổng,
nhưng cánh cổng chỉ mở hé đủ cho một người.