“Cậu nghĩ về Christ như thế nào?” – anh kêu lên – “Lạy Chúa, lạy Chúa,
tại sao Người bỏ con!”. Cậu có nghe tiếng kêu đầy lo âu ấy? Tiếng kêu của
một Christ đang hấp hối – hình ảnh thương cảm của một người trẻ tuổi nhợt
nhạt bị đánh đập đến chết, điên một cách thần thánh, bị đóng đinh trên thập
giá, nhận những lời thóa mạ giễu cợt và nguyền rủa, nhận những mũi giáo
của những tên lính La Mã khát máu, đơn độc đối diện với kẻ thù… tiếng
kêu của người tự nhận là con Chúa, cái thân xác hổn hển khao khát, đầy mồ
hôi, đẫm máu, không một phép lạ nào giải thoát. Ai hiểu thấu được nỗi hoài
nghi ghê rợn mà Christ đã cảm thấy trong giây phút trọng đại cuối cùng
rằng cuộc đời và công nghiệp của người chỉ là hư không! Ngay cả con
Chúa, ngay cả Christ, cũng có một phút giây ngờ vực!”.
Tôi đứng dậy xúc thêm than vào lò. “Với tôi, huyền thoại không có nghĩa
gì cả”, tôi nói.
“Có thể cậu không cần, nhưng cậu có chắc kẻ khác, có lẽ gồm cả tôi nữa,
lại không cần đến cái mà cậu gọi là huyền thoại đó? Và cậu đừng tỏ vẻ
ngạc nhiên như thế khi nghe tôi nói điều ấy”.
Park lại gần và nắm cánh tay tôi: “Những người giáo đồ khốn khổ đứng
hát hôm qua trước nhà mục sư Shin và hôm nay trước giáo đường sập nát
của cha tôi, cậu nghĩ họ muốn cái gì và cần cái gì một cách tuyệt vọng đến
như thế? Cậu hãy cho tôi biết, cậu có khinh bỉ họ? Hay biết đâu cậu cũng
yêu thương họ?”.
Tôi cảm thấy bối rối không trả lời ngay được. Tôi đứng trước mặt Park
nhìn thẳng vào đôi mắt rực lửa của anh. Cuối cùng tôi nói: “Tôi hiểu họ.
Đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Vâng, tôi hiểu nỗi đau khổ và tuyệt
vọng của họ”.
Anh buông tay tôi ra và kêu lên: “Nhưng cậu hiểu không chưa đủ. Đó
chính là điều Tuyên úy Koh cố bảo cậu. Cậu chỉ nói cậu hiểu họ. Cậu nhìn
nỗi đau khổ và tuyệt vọng ấy một cách trí thức, cách biệt, chính bởi vì cậu
chỉ là một kẻ quan sát, ngoài cuộc, có thiện cảm, vậy thôi”.
Lời nói say sưa của Park khích động tôi bằng một sức mạnh tàn nhẫn
xuyên vào tận trái tim.