“Chuyện tại sao nhà thờ này không bị ta oanh tạc?”
“Phải, Đại úy có biết, tôi bắt đầu tự hỏi không biết nếu ngôi nhà thờ này
bị phá hủy hay không bị phá hủy thì có gì thay đổi hay không. Đại úy có
hiểu tôi nói gì không?”
“Tôi nghĩ điểm duy nhất đáng kể là người Kitô giáo phải mất bao lâu để
xây cất lại ngôi nhà thờ đó hoặc ở đây hoặc ở một nơi nào khác, thế thôi”.
“Chính thế, trong lúc tạm thời, họ có thể tụ tập ở một chỗ nào đó, đâu
cũng được, không quan trọng lắm”.
“Chính nhờ thế mà Kitô giáo mới có thể tồn tại trên xứ này”.
“Đại úy có nhận thấy là từ khi Kitô giáo tới đất này, những người kia
chưa bao giờ được một ngày yên ổn? Qua bao nhiêu sự hành hạ ngược đãi
của người Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, và bây giờ đến Cộng sản Bắc
Hàn, họ vẫn còn đó. Do đâu mà họ có được cái khả năng chịu đựng ấy?
Hãy nghe họ hát kìa!”
“Do những lời hứa hẹn thiên đàng và vĩnh cửu, có lẽ”.
“Chỉ chừng ấy thôi sao? Ai cũng có thể hứa hẹn với họ điều đó, cách này
hay cách khác: Phật giáo, Thần đạo, Ấn Độ giáo, Cộng sản, chẳng hạn”.
“Có một điều khác biệt nơi Kitô giáo, Đại tá ạ. Có một kẻ đã chết để
chuộc tội lỗi của họ, để cứu rỗi họ, và kẻ đó lại chính là con của Chúa họ”.
“Quan niệm thật kỳ lạ. Hy sinh, tuẫn giáo!”
Chúng tôi mở cửa bước vào nhà thờ. Chúng tôi được Tuyên úy Koh ra
đón. Ông đang đóng vai sắp xếp chỗ ngồi.
“Tôi đang mong các ông. Tôi rất vui mừng thấy hai ông đến. Xin theo
tôi”.
Đại tá Chang nói là để chúng tôi đứng đằng sau cũng được.
“Ồ, không được, hai ông là khách danh dự của chúng tôi. Đại úy Park đã
ở trên với mục sư Shin kia kìa. Theo tôi đi”.
“Dầu sao, cũng phải tuân lời Tuyên úy. Ta đi chứ, Đại úy?”
Chúng tôi theo người Tuyên úy đi giữa những hàng ghế. Đám đông vẫn
đứng hát. Chỉ có một vài chân nến được thắp sáng. Một luồng hơi lạnh buốt