nhất là trong lúc này”.
Ông mỉm cười: “Nhưng tôi đã khỏe lại rồi, Đại úy. Tôi nghĩ tôi phải trở
lại nhà thờ ngay sau khi tôi gặp lại ông Thiếu tá. Đêm hôm qua chúng tôi
nhận thêm khoảng một trăm người tị nạn ở miền Bắc chạy về. Từ đây tất cả
mấy người đó còn có thể đi đâu về đâu nữa bây giờ?”.
Ông ngừng lại một lát. “Mấy người tị nạn đến đây hôm qua đó đột nhiên
họ gợi cho tôi nhớ lại những người dân quê tôi đã gặp khi xuống
Chinnampo. Tôi tưởng rốt cuộc đã đến lúc tôi phải buông tay trước cái cám
dỗ đã hành hạ tôi suốt quãng đời làm mục sư. Nỗi tuyệt vọng của tôi lớn
đến độ tôi không chịu đựng nổi và có những lúc tôi không còn đủ sức mạnh
và can đảm để yêu thương họ nữa. Nhưng rồi tôi đến nhà người bạn tôi, vị
mục sư già của một nhà thờ nhỏ trong làng. Và ở đó, trong mấy ngày tôi
sống với ông ta và đám tín đồ, tôi mới thấy tuyệt vọng đã làm tê liệt tâm trí
họ như thế nào, tuyệt vọng đã chôn vùi họ vào ngục tù tăm tối của cuộc
sống mỏi mệt của họ như thế nào. Ngôi làng đã bị dội bom, bị bắn, bị cướp
phá, hầu như bị san bằng bao lần trong ba tháng. Họ đã cực kỳ đau khổ,
Đại úy. Thanh niên trai tráng của họ thì mất trong chiến tranh; con gái, chị
em, vợ, mẹ họ bị hãm hiếp; không có gì mà ăn, không có gì để chữa bệnh –
thật là một thứ địa ngục trên trần gian. Tôi đã thấy con người trở thành súc
vật như thế nào nếu không có hy vọng, đã trở thành man di mọi rợ như thế
nào nếu không có một lời hứa hẹn, vâng, một ảo tưởng hy vọng vĩnh cửu.
Con người không thể chịu đựng nổi đau khổ nếu không có hy vọng, nếu
không có lời hứa hẹn về công bằng, nếu không phải, nếu không phải nơi
đây bây giờ – mà thật bây giờ ở nơi đây không có những thứ đó – thì phải ở
một nơi nào khác, ở Thiên đàng, vâng, trong Nước của Chúa. Và vì thế tôi
đã trở lại thành phố”.
“Còn niềm hy vọng riêng của ông? Còn lời hứa hẹn của ông?”
“Là nhiều người sẽ sống không bị tuyệt vọng trói buộc, là nhiều người sẽ
chịu đau khổ nhưng hiểu rõ mục đích, là nhiều người sẽ chết trong yên ổn
thư thái, trong đức tin và trong một viễn ảnh hạnh phúc”.
***