Ông đáp nhanh: “Tôi đã biết thế”.
“Tôi thì không, điều đó đến với tôi một cách bất ngờ”.
Ông chăm chăm nhìn tôi: “Tôi rất tiếc, Đại úy”.
“Đại tá đừng nói thế, trong thứ công việc của mình, không nên chắc chắn
chuyện gì hết”.
“Đại úy khá khôi hài”.
“Không chút nào hết, thưa ông”.
“Thế thì tôi phải cho là ông hết sức nghiêm trang?”
“Vâng, thưa Đại tá”.
Ông quay đi và đưa mắt nhìn lò sưởi. Trong một lúc, ông im lặng, chắp
tay sau lưng. Ánh sáng đỏ rực, vặn vẹo thoát từ lò than dội tới nét mặt nhìn
nghiêng đầy bóng tối của ông. Ông quay lại nhìn tôi với nụ cười nhẹ.
“Tốt lắm, Đại úy. Nếu Đại úy cũng nói hết sức nghiêm túc như tôi, thì tôi
nghĩ rằng hiện giờ ông sẵn sàng cho biết ý kiến và nói thẳng ra cho tôi hay
ông nghĩ gì về mục sư Shin”.
Tôi đáp ngay: “Vâng”.
“Tuyệt, nhưng trước khi Đại úy nói những điều ông nghĩ về ông ta, có lẽ
Đại úy nên suy nghĩ nhiều về những nguyên cớ có thể có khiến ông ta im
lặng?”
“Thưa Đại tá, Đại tá mong đợi ông ta nói gì? Hay nói cho đúng hơn, Đại
tá đã mong đợi ông ta nói gì?”
“Tôi chưa bao giờ gặp mục sư Shin, nhưng tôi biết ông ta lắm. Tôi đã
nghe nói nhiều về ông ta. Thật vậy, nhiều đến nỗi tôi phải tin rằng ông ta là
một người sùng đạo, một tín đồ Kitô giáo hiền lương. Tôi cũng bị thuyết
phục tin rằng ông ta bao giờ cũng là một người được tiếng là có một lương
tâm tinh khiết, không tì vết. Thế mà, một người Kitô giáo hiền lương thời
không thể nói dối, phải không? Nhưng ông ta đã nói dối. Thế là chúng ta
đang đứng trước một người Kitô giáo sùng đạo với lương tâm không tì vết
công khai xác nhận là mình đã nói dối. Có điều lạ là ông ta không tìm cách
tự biện minh cũng không tỏ vẻ ăn năn gì cả. Quanh ông ta chẳng thấy gì