tâm của bất cứ ai?” – ông ngừng lại rồi tự trả lời – “Lương tâm của ông ta
là một thứ lương tâm thuộc loại có tính cách miễn dịch đối với cái hành
động nói dối đặc biệt này. Và đây chính là điểm chúng ta phải nói đến”.
Tôi đáp: “Thưa Đại tá, tôi nhớ có lần Đại tá đã định kêu gọi đến lương
tâm của ông ấy. Đại tá định kêu gọi đến cái thứ lương tâm nào, nếu như có
nhiều thứ lương tâm như Đại tá vừa có ý nói?”.
“Cái thứ lương tâm không có tính cách miễn dịch đối với hành động nói
dối kia, dĩ nhiên. Có một điều Đại úy luôn luôn phải nhớ về ông ta. Đó là
ông ta là một giáo sĩ, một người chăn chiên, như những người Kitô giáo
thường gọi. Ông ta không thể tuyên bố với đám con chiên của mình rằng
ông ta là một kẻ chăn chiên xấu, phải thế không? Đại úy nghĩ ông ta có cần
phải làm thế không? Dĩ nhiên là không. Đại úy thấy đó. Ông ta phải để đám
con chiên giữ niềm tin rằng ông ta không thuộc loại người chăn chiên thấy
bầy sói đã vắt giò lên cổ bỏ mặc đàn chiên vô phương tự vệ”.
“Đại tá vẫn nghĩ rằng ông ta đã đầu hàng quân Bắc Hàn và phản bội mấy
giáo sĩ kia?”
Đại tá Chang không trả lời.
“Trong trường hợp ấy, Đại tá đã tố cáo với đám tín đồ của ông ta rằng
ông ta là một người chăn chiên tồi, ít ra là theo quan điểm của Đại tá”.
“Tôi đã làm như vậy”.
“Đại tá có bực mình là ông ta không thú nhận cái tội mà Đại tá đã buộc
cho ông ta?”
“Có chứ! Nhưng không phải vì lý do mà Đại úy nghĩ đâu”. Ông rời chỗ
tôi và bước lại cửa sổ, đứng nhìn buổi chiều muộn đầy tuyết bên ngoài.
“Tôi bực mình là vì ông ta không tự biện minh cho mình. Tại sao ông ta lại
không nói một lời để thanh minh?”
“Ừ, tại sao, chính tôi cũng tự hỏi như thế”.
“Tôi sẽ cho Đại úy biết tại sao. Cái lương tâm mà hiện giờ ông ta đang
bám lấy bảo ông ta rằng ông ta vô tội, và vì thế ông ta không cần biện giải
cho chính mình”.