Hiệp thợ ngõa là người xa lạ các nơi tụ hợp lại, một lúc xuống núi là
họ phân tán ngay. Còn hiệp thợ mộc bảy người toàn là người làng Chàng
Thôn. Ông cụ Sần cùng trở về làng với tất cả anh em đi chữa đền thánh
Tản. Những lúc tắt lửa tối đèn hoặc họp chè họp rượu ở nơi chiếu hương
ẩm, hoặc là làm mùa màng, bảy người thợ mộc đều gặp nhau luôn. Nhưng
tịnh không ai hé răng cậy miệng ra nói lấy nửa lời về chuyện hơn một tháng
trên non xanh. Họ nhìn nhau trừng trừng mà biết vậy, rồi lo sợ đều bằng
con mắt cả. Họ đều đem nhỡn tuyến ra mà chung viết lại với nhau một tập
ký ức câm về hơn một tháng trùng tu ngôi đền Thượng.
Trong bọn, có Nhiêu Tàm, người xóm dưới, không biết dại mồm dại
miệng thế nào hay là lúc say sưa, không rõ tửu nhập ngôn xuất ra làm sao
mà lăn đùng ra chết. Cả làng thấy Nhiêu Tàm khỏe mạnh như thế, đang vui
cười mà lăn ra chết, không ai hiểu ra sao cả. Chỉ có ông cụ Sần và năm
người thợ mộc rõ thôi.
Ông cụ Sần và năm bác phó mộc đã tìm đến nhà đám đòi xem mặt cho
được người bất hạnh. Nói là xem cái cổ Nhiêu Tàm thì đúng hơn. Thì ra ở
phía bên trái cổ, có một cái nhọt bọc mã đao đang nung. Nặn nhọt ra, có
một cái ngòi xanh lè, dài vừa đúng một cái lá trúc con. Ông cụ Sần và năm
bác phó mộc xanh mắt nhìn nhau im lặng. Con trúc đao! Sự trừng phạt của
Thần Non Tản!
Ông cụ Sần bèn xin lấy cái ngòi mã đao ấy, nói dối là đem về khảo về
một môn thuốc ung thư ngoại khoa. Cụ Sần đem cắm ngòi mã đao đó vào
chiếc chậu sứ chỉ có một đêm thôi mà ngày hôm sau, chiếc chậu sứ đã có
một cây trúc nhỏ bé khẳng khiu như trúc non bộ, cành và đốt rất nhiều,
nhưng chỉ có mỗi một lá thôi. Một cái lá nhọn hoắt. Muốn giữ mồm giữ
miệng cho quen đi, sau ngày đưa ma Nhiêu Tàm, cụ phó Sần thường họp
mấy người thợ bạn đàn em kia lại đánh chén ở nhà mình. Bữa chén không
có đồ nhắm.