Họ uống rượu rất nhiều, ngồi im lặng ngắm cái lá trúc cô độc trên
khóm trúc tí hon bày trước thềm nhà. Trong những ngày nơm nớp của đám
thợ mộc này vừa hụt đi mất một người, những bữa rượu này là những bữa
không ngon lành nhất trong đời một đám người sống nơi thôn ổ với cái thú
được thỉnh thoảng nâng chén.
Cái lá trúc non bộ ấy vẫn xanh ngắt trên khóm trúc đã khô giòn như bó
que.
Đấy là một lời cảnh cáo dai dẳng
Ngày tháng cứ thế mà vợi dần trên lũy tre làng Chàng Thôn.
Bỗng một buổi chiều năm ấy - không nhớ rõ là năm nào, chỉ biết là
cùng một năm có trận lụt rất lớn làm sạt cả kỳ đài thành Đoài và cuốn
phăng mất đến gần tám mươi trượng đá tổ ong phía tường Tây thành tỉnh -
buổi chiều năm ấy, vào lúc nhá nhem người ta đang đánh trâu cày vào các
ngõ đuối, một ông cụ già râu tóc lông mi trắng xốp như bông, chống một
cây gậy trúc đùi gà vàng óng, khoan thai tiến vào cổng trước làng Chàng
Thôn.
Trông ông cụ đĩnh đạc, cổ kính, đội cái nón cỏ giống kiểu nón tu lờ
người tu hành, dân làng không hỏi căn vặn và chỉ nhìn theo ông cụ đi khuất
vào ngõ nhà ông cụ Sần, bước đi có đủ cái vững vàng của một người quắc
thước thuộc lòng con đường đi của mình.
Ông phó Sần đang ngồi quấy nồi kê. Thấy có người tiến vào đến giữa
sân nhà mình và lạ quá, sao lại ba con chó mực không sủa và lại còn quấn
quýt lấy chân người lạ, ông phó Sần bỏ cả nồi kê chưa chín, vội chạy ra.
Ông già đẹp quá. Ở làng, thực các cố lão thường ngự ở chiếu trên cạp điều
ngoài đình, thật là chưa có cố nào đẹp lão đến như thế.
- Dạ thưa trượng nhân, chúng tôi xin chờ những điều trượng nhân dạy
bảo.