chấn động một cánh rừng bị thương và vang theo mãi xuống bến sông Tấm
đã ken sẵn mấy bè nứa. Bè trôi ra giữa sông đưa cây cổ thụ về bờ bên kia.
Bọn người ấp Tháo lau mồ hôi, rịt các vết thương, nói chuyện về ấp tàn, về
chủ ấp cuồng và về cây gạo.
- Chơi lạ. Chỉ có Chúa Trịnh ngày trước thì mới giồng giọt như thế.
May chuyến này không ai bị cây đè chết.
- Cái gì cũng phải theo lẽ tuần tự. Cây to này đưa về rồi cũng chết mà
làm củi mục thôi. Sống thế nào được. Phải giồng nó từ lúc bé kia chứ!
- Cây gạo thì quý gì. Gỗ nó chỉ dùng làm áo quan cho bọn nghèo. Hoa
thì chỉ quyến rũ được sáo đá và quạ thôi.
- Năm ngoái đã một cây. Lù lù đen sì giữa ấp như cột đồng trụ. Mà
chẳng một cành nào đâm chồi. Quý gì cái gối quạ lấy được trên cái tổ cây
ấy. Đen và tanh ngòm. Khéo không lại chạm vía yêu tinh và bóng các Cô
các Cậu trên rừng mà khốn thôi.
- Mà làm sao cứ đến kỳ giỗ bà chủ thì ông chủ lại bắt đi đánh cây gạo
về giồng ở ấp? Cúng à? Năm nay giỗ hết bà chủ đây. Sang năm có đánh cây
cổ thụ nữa không?
- Cơ mầu này rồi cũng đến bán ấp. Cứ uống những trận rượu như thế
rồi phát điên phát cuồng lên thì còn lắm là dâu và tằm. Nếu ông chủ bán ấp,
lại chỉ khổ cho bọn mình bị gán thân cho chủ khác. Công nợ như mình, vợ
con ăn mặc đều tính vào dâu tằm người ta tự bao lâu nay, mỗi chốc vỗ được
nợ mà đưa gia đình về dưới xuôi được sao.
- Cây của người ta đang ra quả. Chỉ vì nó ở giáp hàng rào ấp mình,
cành quả nó ngả sang đất mình, thế mà đòi bẻ và nhận lấy nhận để là của
mình. Tai ngược hơn cả đàn bà một mắt.