rượu, lắm lúc say, phạm cả vào điều bạo nghịch làm cho dân ấp ta oán. Nếu
không có Bá Nhỡ thì ấp Mê Thảo tan rồi. Một mình Bá Nhỡ lại vá víu bằng
mọi cách. Mỗi lần Cậu Lãnh làm điều không phải với dân hàng ấp những
lúc tửu hậu, Bá Nhỡ lại dàn xếp và đền bù. Ấp Tháo vì thế vẫn còn lay lứt
nổi trong cảnh tằm tang và dân ấp cũng đều biết đến cái công ơn người
quản gia chịu khó và công bằng.
Cậu Lãnh Út buồn khổ đến đâu, cái buồn khổ ấy thấm sang tâm hồn
người quản gia trung thành đến đấy. Ngoài nỗi lo tính cho sự trung hưng
kinh tế của Mê Thảo, Bá Nhỡ săn sóc đến tinh thần Cậu Lãnh không một
lúc nào rời.
Bữa rượu tối nào của Cậu Lãnh là cũng có người quản gia ngồi bồi
rượu. Giữa những chén rượu uống một hơi, Bá Nhỡ bình cổ văn, ngâm thơ
Đường Luật và diễn lại cho Cậu Lãnh nghe - theo một lối riêng - nhiều
đoạn Kim Cổ Kỳ Quán, Đông Hán Tây Hán Hậu Hán và Đông Chu. Lắm
lúc mang đàn ra gẩy. Lại còn sắm lẻ từng vai tuồng một cho Cậu Lãnh xem.
Chèo cũng thế. Có lần Bá Nhỡ một mình diễn vở Lưu Bình Dương lễ, lần
lượt hết sắm vai nam lại sắm qua vai nữ.
Đôi khi chủ ấp có tang cũng nhoẻn cười. Nhưng cái vui đột ngột gây
nên bởi trò lại héo úa ngay trên chén rượu nhớ người thiên cổ. Một mình
không làm vui nổi cho Cậu Lãnh thì Bá Nhỡ lại cậy đến những đoàn thể
chuyên nghiệp. Bá Nhỡ cho dựng nhà rạp lên rồi cho đi tìm phường ca
công, gánh hát chèo hát tuồng ở các vùng lân cận về.
Nhưng, được hòa hẳn lòng vào cái vui của đàn trống múa hát ầm ĩ ấy,
vẫn không phải là Cậu Lãnh. Vẫn lại chỉ có đám dân bình dị cần lao trong
ấp Tháo thôi. Họ coi đó là những ngày hội hiếm có và sau những kỳ chơi
hội đó thì họ lại cần cù thêm với việc tằm tang. Bá Nhỡ cũng tự an ủi được
ít chút về chỗ tổn phí. Rảnh việc điều động ấp, nhìn trộm Cậu Lãnh, người
quản gia đáng quý ấy thường tự hỏi mình: "Làm thế nào cho sức của người
trẻ tuổi này được hồi sinh với sự sống hiện tại? Lòng kẻ chung tình ấy cứ