tự nhủ thầm: "Cậu cứ uống đi. Rượu đã có. Em này cất cho Cậu không bao
giờ thiếu lấy một giọt. Còn việc làm ăn trong ấp, cái kén tơ cái lá dâu, thuế
má công xá người làm, Cậu cứ mặc Em tính liệu. Miễn là Cậu đừng buồn.
May ra ông Giời mà thương lại, xui cho Cậu lại tục huyền với đời sống -
đời sống nhiều khi cũng lại chỉ tượng trưng bằng cái hình ảnh cụ thể người
đàn bà muôn năm! - Cậu lại tục huyền mà hồi dần lại với cuộc đời cần lao
như ngày cũ thì Em này vui sướng biết đến đâu! Cậu cứ uống đều đều đi.
Uống cho triền miên ngày tháng đi".
Rượu vào, Cậu Lãnh lại nhớ đến đàn hát đã bẵng đi một năm tròn.
"Này Em này, cái Cô Tơ ấy độ này ở tỉnh hay ở nhà quê nhỉ? Hôm nào Em
bảo Cô hát lại cho Cậu nghe. Một cây đàn đi theo với Cô ta thôi. Giờ Cậu
sợ những cái gì là đông đúc ầm ĩ". Câu nói của Cậu Lãnh thốt ra lúc ngà
ngà, rồi tửu dồ cũng bỏ đấy và quên mất. Nhưng Bá Nhỡ thì quên thế nào
được. Bá Nhỡ để tâm việc tìm Cô Tơ. Cho người đi tìm không ăn thua gì,
Bá Nhỡ thân hành đi tìm lấy, lòng hửng lên như buổi mai ngày hè. "Cậu
Lãnh rồi có lẽ khỏi. Phải, Cậu mà không nghe đàn hát tức là hỏng rồi đó,
tức là bệnh không thuốc nào chữa nổi nữa. Trừ phi không đủ điều kiện thôi,
chứ con người ta sống ở đời, có ai mà lại không nghe đàn hát bao giờ. Đến
người chết rồi cũng còn muốn nghe nhạc nữa là".
Nghe nói Cô Tơ dọn nhà hát ở bất cứ chỗ tỉnh thành nào là Bá Nhỡ
lộng hiểm mà tìm đến, chấp cả cái việc người ta có thể dò biết cái án cũ tử
hình còn treo trên đầu mình. Đi thông mấy tỉnh mà đều không được gặp, Bá
Nhỡ bèn tìm hẳn về làng nguyên quán Cô Tơ. Quả như điều dự đoán, Bá
Nhỡ đã gặp người danh ca, ở một nếp nhà gianh vùng quê Nhộn. Ông
Chánh Thú - chồng Cô Tơ - mất đi rồi là Cô không dọn nhà hát ở tỉnh nữa,
lùi về quê sống cái đời người thôn nữ làm việc với đồng áng sương nắng
hai mùa. Lúc Bá Nhỡ lần về quê Nhộn thì Cô Tơ đang làm cỏ ở ruộng
ngoài chân đê, phải cho người đi tìm về.