- Cô đã về. Có lẽ Cô quên tôi rồi. Tôi ở trên ấp Mê Thảo mà Cô đã có
lần lên hát, cách đây gần ba năm.
- Ông tha lỗi cho. Chúng tôi quên mất thật. Đời chúng tôi đi hát nhiều
nơi quá, thật không nhớ cho hết được. Dạ ông cho tìm về, hẳn có điều gì
dạy bảo?
- Chúng tôi đi mấy tỉnh tìm Cô. Nay được gặp, thật cũng bõ cái công
lặn lội. Chúng tôi muốn thỉnh Cô về trên ấp chúng tôi hát một buổi.
Cô Tơ không trả lời ra sao, đẩy chén nước mời về phía Bá Nhỡ, tay
sửa lại vành khăn tang. Giời chiều đã nhuộm vàng cây cau ngoài sân, chủ
nhà xin phép khách cho lùi sang buồng bên để thắp tuần hương chiều
thường lệ ở một cái bàn thờ. Lúc trở ra, ngồi ăn giầu, Cô Tơ nói chuyện với
khách: "Chẳng nói giấu gì ông, từ khi ông Chánh nhà chúng tôi mất đi,
chúng tôi không cầm đến lá phách nữa. Bất nhẫn lắm, ông ạ. Bởi vì hát lên
thì lại động đến vong hồn người đàn ngày xưa, ông ạ. Không biết ông có
nghe qua đàn ông Chánh nhà chúng tôi lần nào không nhỉ! Tội lắm ông ạ.
Bây giờ, chúng tôi giải nghệ rồi, sống cái đời góa ở chỗ thôn quê, được cái
cũng nhàn và đủ ăn đủ mặc. Phần ngựa xe trên tỉnh, chúng tôi nhường lại
cho các chị em đồng nghiệp còn trung thành với nghệ với tổ".
Bá Nhỡ tưởng đấy là một câu khách sáo, cười một cách giao thiệp.
Sẵn cơm rượu bưng ra, Bá Nhỡ ăn uống tự nhiên như người nhà và nhân
tiện ngày hết đã lâu, cũng nhận luôn lời chủ nhà giữ lại nghỉ đêm ở đấy. "Ở
vùng chúng tôi, hàng quán xa quá và không được tươm tất. Chẳng mấy khi
ông về đến đất cổ lậu này, mời ông nghỉ chơi lại, sớm mai hãy đi. Đêm
hôm ông có cần dùng điếu đóm nước nôi gì, xin cứ gọi đứa bé nằm ở chõng
tre kia". Thế rồi chủ nhà kiếu lùi xuống nhà ngang và Bá Nhỡ cũng đi ngủ
ngay, định ngày mai sẽ nói chuyện tiếp với Cô Tơ về nhật kỳ khởi hành lên
ấp và định về chỗ tiền thù lao.