của ông khách. Những chỗ buông bắt, sao mà giống cái nghệ thuật ngày
xưa của ông Chánh Thú đến thế. Miệng Cô mấp máy, cổ họng muốn dặng
hắng, Cô muốn hít hơi cho đầy hai lá phổi. Cánh mũi cô phập phồng nhẹ,
Cô muốn hát vo theo những khổ đàn của Bá Nhỡ cứ như thấm mãi vào
người. Cô muốn quỳ xuống mà lạy tổ muôn lạy và hối vì đã có ý muốn giải
nghệ. Bá Nhỡ để nằm cây đàn xuống giường, đầu dọc đàn đụng vào tà áo
người chủ nhà góa. Cô Tơ nhích ra, thở dài.
- Cô có thể cùng đi với tôi lên trên ấp ngay giờ chứ?
- Biết nói thế nào cho phải với ông bây giờ. Chúng tôi cũng chẳng lấy
làm cao quý gì cho lắm để ông phải vời đến mấy lần. Ngày trước thì lại
chẳng được gặp những bực như ông cho. Tôi không thể nào đi hát được
nữa ông ạ.
- Đàn tôi còn non, Cô sợ tôi không ghim nổi chăng?
- Không phải. Đàn ông chín lắm. Nghe đàn của ông, đến người đá đấy
cũng phải bật ra tiếng hát. Tôi nói thực đấy ông ạ.
- Vậy sao Cô không chịu nhận nhời mời! Phách, tôi chắc Cô không
quên được rồi, dẫu có bỏ lâu ngày đến đâu đi nữa. Hay là Cô chưa được
khỏe?
- Thưa ông, tôi không đau ốm gì cả. Thôi ông chịu phiền vậy. Để tôi
cho tìm một người bạn tôi ở thôn dưới về ấp hát hầu các ông nghe vậy,
cũng gần đây.
- Nếu Cô không nhận nhời cho thì Cậu Lãnh chúng tôi cũng không
dám phiền đến ai. Nếu Cô ngại điều gì, thì chỉ dám phiền Cô cất công đi
cho một lần này thôi. May ra mà Cậu Lãnh tôi khỏi được, thì chúng tôi chịu
ơn Cô nhiều lắm.
- Nghe hát, khỏi được! Khỏi gì ạ? Ông nói thêm cho chúng tôi rõ.