không ghi niên hiệu của biến cố và đã đổi hết tên người tên đất. Dưới tập
vở viết, chỉ chua: "Georges Philippar, 1932". Tức là... Lịnh viết trên một
con tàu bể chạy đường Cực Đông, sau khi bỏ ấp, xuất dương, làm bồi tàu
sống cuộc đời công nhân và truy tùy Cách mệnh ở ngoài xứ. Chính chiếc
tàu to lớn này, kỳ hạ thủy chạy đường Viễn Đông Thượng Hải đã tải rất
nhiều khí giới của đế quốc gửi sang Thượng Hải để đàn áp Cách mệnh
Trung Hoa và chuyến về đã bị đốt cháy ở giữa Hồng Hải. Tôi ngờ Lịnh có
dính vào chuyện Georges Philippar phát hỏa, làm chết một nhà báo tâm
huyết Albert Londres và suýt chết luôn một ông quan xứ ta đi đón một ông
vua Bảo Đại về nước nhận ngôi. Tôi nhớ rằng nhiều lần Lịnh đã giảng kỹ
cho tôi về các công tác phá hoại.
"Tâm sự của nước độc" đích là một quãng thiếu thời của Lịnh lúc còn
mê man o bế cái sống cá nhân của mình. Trái với lời rào đón khiêm tốn của
tác giả nó về phép hành văn, tập nhật ký diễn theo một lối thuật hoài đặc
biệt đã đem đến cho tôi nhiều rung động hiếm có. Ra khi người ta đã có
một cái tâm sự và lại thiết tha và lại chân thành khi gởi nó vào giấy mực,
thì người ta chấp được cả sự tưởng tượng của ngòi bút lành nghề. Và Lịnh,
nếu chỉ cứ chuyên nhất vào cuộc đời chính trị, văn nghệ bị thiệt thòi hẳn đi
về nhiều nỗi.
Đi theo tốp lính áp giải về trại, đầu tôi còn ê ẩm vì không khí một cái
ấp nuôi tằm trong nhật ký. Đấy là một cái ngục tối. Ấp Mê Thảo là một
cảnh địa ngục mà lính canh là rượu, là hát, là kỷ niệm, là sự nhớ tiếc một
người vợ chết. Ở tù, còn có thể vượt ngục được. Chứ đã ở đến cái ấp Mê
Thảo ấy, có đủ tiền, có thừa rượu và sự chiều chuộng của đời sống dư nhàn
thì chỉ còn có chết oan uổng ở đây thôi, chứ còn thoát ly thế nào được. Vậy
mà Lịnh đã xổng ra được. Để mà đang làm một con số 2910 đi bước một
xuống dốc núi, trước mặt tôi.
Tôi nhìn Lãnh Út - Lịnh - 2910 mà rờn rợn cho một cuộc đời. Tôi nhìn
Lịnh như một người đã bị thần trùng bắt đi, tra khảo mãi không xưng mà