Đêm ấy ở trại an trí, tôi châm đèn thức khuya hơn để đọc lại tập nhật
ký của Lịnh. Mãi đến hai ngày sau, tôi mới trả Lịnh với một câu: "Dẫn
rượu của đời sống vào cuộc đời bút mực đến một chốn hãi hùng như thế,
chừng như cũng mới chỉ có anh. Bởi vì cái tâm sự của anh cũng dị thường
lắm. Tôi muốn xin phép anh, mượn anh những tài liệu sống đó để sau này
xây một chút không khí gì cho một thứ văn phẩm nào của đời tôi nghèo
hẹp, anh có vui lòng không?". Không cần suy nghĩ, Lịnh dúi ngay tập thảo
vào túi dết tôi: "2910 biếu luôn anh cả cái bản thảo rách bẩn này. Anh giữ
lấy làm cái kỷ niệm của một lần gặp nhau. Anh muốn dùng nó làm gì thì
làm. "Tâm sự của nước độc" sang tay anh cũng là phải. Vì xem chừng như
anh cũng là nòi rượu, thích đàn hát và ưa bay nhảy lắm thì phải. Đời tôi đời
anh, nếu tôi đoán không nhầm thì hình như cũng đã có nhiều đoạn đường
song hành".
Bạch sư thầy Tuệ Không,
Bây giờ tôi mới được hầu chuyện sư thầy về cái nghĩa sự sống sự chết
trong đời người. Và tôi muốn cho một nhân vật trong "Tâm sự của nước
độc" được đối chất ngay với sư thầy.
Ấy là Cô Tơ.
Và Cô Tơ, chính là sư thầy lúc này đó.
Cô Tơ, Tuệ Không, chỉ là một
Cũng như Lãnh Út - Lịnh - 2910.
Nhà Chùa không được chối, bởi vì Phật của Nhà Chùa bảo thế. Sư
thầy bỏ Chùa Đàn, sư thầy tìm ra quét lá ăn mày sư tổ ngoài tỉnh Đông. Rồi
sư thầy gởi mình ở Quỳnh Lâm, Dật Yên, ở Chùa Keo, Chùa Dận, Yên Tử,
Chùa Cói. Sư thầy tu, kể cũng đã tốn nhiều chùa! Đi tù về, tôi bận lòng về
một tập nhật ký đem theo xuống núi và tôi đã cố dò tìm hỏi han về hành
tung của sư thầy. Bằng cách gì? Đó là cái công phu riêng của người nghệ sĩ