đó sao? Thà sư thầy lại cứ là "cái Cô Tơ" ấy mà gõ cái tiếng tre đực như
xưa, cuộc đời còn thấy thái độ ấy là có nghĩa hơn.
Nhân nhắc lại tên Cô Tơ mà tôi lại ngẫm thêm về cuộc đời của nhân
vật ấy trong ký sự. Tất cả giá trị của Cô Tơ ấy trong "Tâm sự của nước
độc" là đã làm cho Lãnh Út tái sinh lại qua cái chết của Bá Nhỡ. Qua cái
hủy thể của một người đánh đàn, Cô Tơ đã là một cái cớ thiêng liêng để
Lãnh Út thác sinh lần nữa vào cuộc sống. Cùng một lúc, làm chết một
người đàn ông nhạc sĩ này để làm sống lại một người đàn ông nghệ sĩ khác
đang li bì dìm mình trong nước độc, rồi cô ta lần đến một ngôi Chùa Đàn
để mà tự tử dần - hay nói là đi tu thì cũng thế. Sao lại có thể vô lý như thế
được? Vụ tự tử câu dầm lâu ngày ấy chưa đến đoạn chót hoàn toàn tắt thở.
Vì cho đến lúc này, sư thầy vẫn còn ngồi ở rìa đời sống để nhai cái hạt lúa
của cuộc đời tạo ra và để đánh dấu cho sự có mặt mập mờ của sư thầy ở
cuộc đời, ngày nào sư thầy cũng nện mạnh một cục gỗ vào hai lúc lặn và
mọc của mặt trời. Trước khi chết hẳn mà chữ Nhà Chùa gọi là tịch, về chỗ
thanh toán một cái nợ áo và cơm - sư thầy tưởng ăn cơm không có thịt và
mặc áo vải là không chịu không nợ chung quanh hay sao? - của cuộc đời,
đời sống muốn sư thầy trả cho bằng những tiếng gì không phải là thanh âm
mõ.
Bạch sư thầy Tuệ Không - nhất danh nữa là Cô Tơ,
Đối với đời sống cần phải sòng phẳng, thái độ của sư thầy là một
chuyện đánh bạc gian và cái thời khắc biểu của Nhà Chùa chỉ là những
ngày tháng của một bệnh nhân trầm trệ. Sự hô hấp của tăng già chỉ toàn có
thán khí thôi, lúc hít vào cũng như là lúc thở ra.
Ông Phật bảo rằng muốn là khổ. Và muốn không khổ thì chúng ta nên
giết chết những cái muốn đi bằng cái việc ta tự tử ta và cổ động điều đó
thành một phong trào có hội sở hương khói ngày ngày, hồ bóp nén con
người tình cảm chúng ta cho nó ngạt chết hẳn đi.