"Cũng chẳng sao. Điều cần nhất, là đừng ngủ trưa. Đánh cờ trưa, cũng là
một cách vui gọn để chống sốt rét rừng".
Không phải dạy tôi học thì Lịnh lại dùng thời giờ ấy đọc sách và biên
chép luôn tay vào những cuốn sổ tay dành riêng mỗi cuốn cho một việc. Có
người lính nào vào trại tìm đến Lịnh thì Lịnh lại bỏ việc riêng đấy mà giúp
họ. Vẽ hộ một bức truyền thần. Viết hộ một bức thư, và nhiều bức thư của
người lính thượng du nhớ nhà gởi về thăm vợ con hoặc vấn an thầy mẹ.
Thư lại viết theo thể thơ lục bát. Chiều theo ý những người lính, Lịnh đã
xoay cái thư ấy ra thành những câu vè mộc mạc và anh lại còn phải viết
bằng chữ nôm. Ra Lịnh vẫn có cái đức dung người và Lịnh vẫn vui vẻ
trong khi làm những việc tầm thường đó không ngày nào là không xảy tới.
Ở một cái đồn thượng du, lúc nào mà chẳng có một người lính nhớ vợ
thương cha. Lịnh được thiện cảm của cả đồn. Các ông quản đội trên đồn, có
việc hiếu hỷ gì ở quê nhà, là đều có nhờ đến Lịnh cho chữ câu đối - lúc
nôm, lúc chữ Hán, tùy theo trường hợp. Cả ngay đến lão quản trại an trí là
người Pháp, cũng nhờ Lịnh dạy Việt ngữ. Nhưng đến việc này thì Lịnh chối
từ, mặc dầu quản trại hứa sẽ để cho Lịnh ở nhà không phải vào rừng mà
sương nắng ngày hai buổi. Lịnh đã lẩm bẩm riêng với anh em: "Dạy mày
học tiếng ta để rồi mày dò la chuyện bên căng và kiểm duyệt thư của anh
em cho kỹ phải không?". Vì có người tọc mạch mà tôi mới biết rằng Lịnh
đang nghiền ngẫm bộ Kinh Dịch và đang xoay nó vào Biện Chứng Pháp
Duy Vật. Một buổi nghỉ ngày chủ nhật, thấy tôi đến ghé nhòm vào trang vở
chi chít những chữ Pháp và chữ Hán, Lịnh tươi tỉnh - bao giờ Lịnh cũng
hòa nhã tươi tỉnh - hỏi tôi: "Tôi đố anh biết Pearl Buck có giỏi chữ Hán
không? Và André Malraux tập viết chữ Hán theo lối thiếp nào?". Câu đố ấy
rồi cũng bỏ lửng. Nhưng tôi ngờ rằng Lịnh biết nhiều lắm. Cũng như tôi đã
thấy rõ cái đức làm người của Lịnh mà cảnh tù chung mỗi ngày càng làm
bật hẳn lên.
Lịnh không trốn việc hoặc đùn nó cho những anh em khác. Kỷ luật
của anh em trong trại đặt ra để giữ trật tự chung cho cả căng, anh tuân theo.