II
VỀ VẤN ĐỀ DỊCH THUẬT
Khi trình bày nội dung cuốn Sách Đỏ thành một bộ sử cho người thời
nay đọc, toàn bộ bối cảnh ngôn ngữ đã được cố gắng chuyển dịch sang
tương quan với thời đại ta. Chỉ các thứ tiếng không liên quan tới Ngôn Ngữ
Chung là để lại trong các dạng nguyên thủy, nhưng chủ yếu cũng chỉ xuất
hiện trong tên người và địa danh.
Ngôn Ngữ Chung, vì là ngôn ngữ của dân Hobbit và được dùng trong
bản kể của họ, đương nhiên được chuyển thành tiếng Anh hiện đại. Trong
quá trình ấy, những dị biệt giữa các tiểu loại vốn khá rõ nét trong cách dùng
Tây ngữ đã bị nhạt bớt. Văn bản đã cố gắng phản ánh sự khác biệt bằng
cách dùng nhiều phong cách nói khác nhau trong tiếng Anh; nhưng khác
biệt giữa phát âm và đặc ngữ dùng ở Quận so với thứ Tây ngữ nói ra từ
miệng dân Tiên hay giới quý tộc Gondor còn lớn hơn rất nhiều cuốn này
cho thấy. Thực tế là dân Hobbit chủ yếu dùng một thứ thổ ngữ quê mùa,
còn ở Gondor và Rohan dùng ngôn ngữ cổ kính hơn, quy phạm và ngắn gọn
hơn rất nhiều.
Có một điểm dị biệt cần ghi chú riêng ở đây, vì dù rất quan trọng
nhưng lại không có cách nào thể hiện trên văn bản. Tây ngữ có một đặc
trưng là, các đại từ ngôi thứ hai (và đôi khi cả ngôi thứ ba) có sự khu biệt
giữa thể “thân mật” và thể “kính ngữ”, không liên quan đến số. Tuy thế ở
Quận, các dạng kính ngữ từ lâu không còn sử dụng trong lời ăn tiếng nói
thường ngày. Các đại từ ở thể này chỉ còn lại với những người làng, đặc biệt
ở Tổng Tây, dùng làm từ trìu mến. Đấy là một trong những điểm người
Gondor thường nêu ra khi bình phẩm về lối nói lạ lùng của Hobbit: chẳng