đầu trong cuốn sách này xuất hiện tên hoặc tước hiệu bằng tiếng Anh, ở đó
cần hiểu là các tên bằng Ngôn Ngữ Chung đã thịnh hành vào thời ấy, song
song với hoặc thay thế cho các tên bằng ngôn ngữ khác (thường là tiếng
Tiên).
Các tên bằng Tây ngữ nói chung đều là cách dịch từ các tên xưa hơn:
như Thung Đáy Khe, Nguồn Xám, Mạch Bạc, Cát Dài, Kẻ Thù, Tháp Tối.
Một số tên có thay đổi về nghĩa: như Đỉnh Định Mệnh thay cho Orodruin
“ngọn núi bốc cháy”, hay rừng Âm U thay Taur e-Ndaedelos “rừng nỗi sợ
kinh hoàng”. Một số khác lại do tên Tiên biến dạng thành: như Lune và Bia
Rum Đun xuất phát từ Lhûn và Baranduin.
Thao tác này có lẽ cần được bào chữa đôi chút. Tôi có cảm giác rằng
để lại tất cả mọi tên như nguyên văn sẽ làm lu mờ một trong những đặc
trưng cốt yếu thời kỳ đó, theo cách tri nhận của dân Hobbit (là điểm nhìn tôi
cố gắng bảo lưu nhất ở đây): sự đối lập giữa một ngôn ngữ phổ thông, mà
họ thấy bình thường và thân quen y như tiếng Anh với chúng ta, và chứng
tích còn sống từ những thứ tiếng cổ xưa đáng tôn kính hơn nhiều. Nếu chỉ
đơn giản làm việc phiên âm tất cả các tên, thì người đọc hiện đại sẽ thấy cả
hai xa lạ ngang nhau: ví dụ nếu tên Tiên Imladris và cách dịch sang Tây
ngữ Karningul đều để nguyên trong văn bản. Nhưng gọi Thung Đáy Khe là
Imladris thì cũng như ngày nay gọi Winchester là Camelot, ngoại trừ vị trí
là chính xác, hơn nữa ở Thung Đáy Khe vẫn còn cư ngụ một vị chúa danh
tiếng, lâu đời vượt xa vua Arthur - giả sử ngài vẫn còn trị vì tại Winchester
ngày nay.
Tên của Quận (Sûza) và mọi địa danh Hobhit khác vì thế đã được
Anh hóa. Hầu hết các trường hợp không khó lắm, vì những tên ấy cũng
thường cấu tạo từ những yếu tố như trong các địa danh thuộc loại đơn giản
trong tiếng Anh; hoặc là những từ còn thông dụng như hill [đồi] hay field
[đồng], có thể giản lược đôi chút như ton so với town [thị trấn]. Nhưng vài
yếu tố, như đã lưu ý, lại xuất phát từ những từ Hobbit đã lâu không sử
dụng; chúng được thể hiện bằng các yếu tố tương tự trong tiếng Anh, như
wich hay bottle “nơi ở”, hay michel “lớn”.