cái ao có váng tìm con cái. Một con cầy ướt sũng chạy vụt qua con đường
đầy lá.
Căn nhà trông như trống rỗng. Cửa ra vào và các cửa sổ đều đóng kín.
Hiên trước trơ trụi. Không hề có một thứ đồ đạc gì. Nhưng một chiếc
Plymouth mầu xanh da trời, đuôi xe mầu vàng vẫn đỗ bên ngoài, và Baby
Kochamma vẫn còn sống trong nhà.
Bà là bà trẻ của Rahel, là em gái của ông ngoại cô. Tên thật của bà là
Navomi, Navomi Ipe, nhưng ai cũng gọi bà là Baby. Bà trở thành Baby
Kochamma lúc đủ già để làm một bà cô. Song Rahel không đến thăm bà.
Chẳng có đứa cháu trai, cháu gái nào lại ảo tưởng mà làm chuyện đó. Rahel
đến gặp anh trai cô là Estha. Họ là hai anh em sinh đôi. “Thụ tinh từ hai
trứng”, bác sĩ gọi thế. Hai anh em sinh ra riêng rẽ, nhưng từ hai trứng cùng
thụ tinh một lúc. Estha - Esthapen - ra đời trước em gái mười tám phút.
Estha và Rahel không yêu quý nhau nhiều lắm, ngay từ khi chúng còn là
những đứa bé tay chân khẳng khiu, ngực lép kẹp, cũng không có người nào
trong số họ hàng hay cười hỏi chúng “Ai đây?” hoặc “Cái gì đây?”. Kể cả
Đức Giám mục Nhà thờ Syria thường đến Ngôi nhà Ayemenem tặng đồ
quyên góp cũng vậy.
Sự mơ hồ còn ẩn sâu đâu đó, tại một nơi bí mật hơn nhiều.
Trong những năm ấu thơ vô định, ký ức chỉ mới bắt đầu, lúc cuộc sống
đầy những thứ Bắt đầu và không có Kết thúc, mọi vật đều là Vĩnh cửu,
Esthapen và Rahel tưởng các em là Tôi riêng rẽ, từng đứa một cũng như
Chúng tôi vậy. Và mặc dù các em không giống cặp song sinh hiếm hoi ở
Thái Lan, thể chất tuy riêng rẽ nhưng vẫn có nhiều nét chung.
Bây giờ, sau từng ấy năm, Rahel nhớ lại một đêm kia đã thức giấc vì
tiếng cười khúc khích trong mơ của Estha.